Kiến Minh I, 2000

2790 Words
Đầu tháng Năm, năm 2000, trấn Mâu Thủy, Phổ thông Thanh Phong. Cái tiết trời hừng hực khi gần đến điểm hạ chí vẫn không át nổi sức trẻ sôi sục và ngọn lửa thi cử phát ra từ đám học sinh cuối cấp vừa kết thúc chương trình ôn luyện tăng cường của nhà trường. Tôi rảo bước đi qua những dãy hành lang trong khi tụi đàn em của tôi ở trường Thanh Phong này đang bắt đầu túa ra về. Lũ nhóc này hệt như tôi năm xưa, tôi cười thầm. Những tiếng cười nói rồi cũng sẽ vơi dần, sau kỳ thi này mỗi đứa sẽ đi mỗi ngả, những câu hỏi han qua loa sẽ thưa dần và những phút giây bịn rịn cũng nhạt dần trong ký ức. Đó là kiểu thanh xuân mà tôi đã ba lần chứng kiến và có thể năm nay sẽ lại tiếp tục. “Kiến Minh! Cả năm rồi mới gặp lại em. Cuộc sống trưởng thành lao động vất vả quá chứ hả? Nghe mẹ em bảo lúc này em làm đang học làm thông ngôn viên phải không?” Tiếng gọi xa xăm quen thuộc từ người thầy tôn kính của tôi từ đằng sau vọng lại. Tôi ngoái đầu chào thầy lễ phép. “Em chào thầy. Đúng là dạo này em có chút bận rộn vì phải đi dịch cabin suốt.” "Em được làm nghề mơ ước là tuyệt nhất rồi. Không phải ai cũng có thể sống để đạt được ước mơ đâu." "Cảm ơn thầy, cũng nhờ thầy dạy dỗ mà em mới được nên người như hôm nay." "Phận làm người đưa đò, biết khách sang sông êm đềm là thầy mừng lắm. Em về đây lâu chưa, định nán lại mấy hôm?" Thầy cất chiếc cặp táp lên trên gờ lan can, chỉnh sửa lại cặp kính lão đã hằn lên một lằn sâu trên sống mũi thanh cao của thầy. Năm nay thầy có vẻ đứng tuổi hơn nhiều, vết chân chim trên trán và khóe mắt dần rõ dày hơn, tóc hoa râm bắt đầu trổ ra những cọng bạc phớ. "Em vừa về, do trường mình tiện đường xa cảng nên em ghé sang đây thăm trường lớp trước rồi sẽ trở về nhà sau. Em định sẽ ở lại đây vài tuần chăm sóc mẹ với sẵn trông coi tiệm bánh. Coi như một dịp tốt để xả hơi trước khi đi em lại đi tiếp." "Mấy năm trước còn là nghỉ để chuẩn bị ôn thi mà nay đã đi làm các kiểu. Chậc, thời gian trôi nhanh thật.” Có cơn gió thoảng vội vàng hất nhẹ lên lớp tóc mái lưa thưa của thầy. Giờ tôi mới nhìn rõ thầy tôi đã đứng tuổi đến chừng nào. Cũng phải, cũng chỉ còn công tác ở trường năm năm nữa thôi là thầy sẽ về hưu. Người lái đò sẽ gác lại mái chèo và truyền lại những mô phạm chuẩn mực cho thế hệ sau. ` Thầy nói tiếp: “Mà năm nào em cũng về vào dịp này cả. Mạn phép cho thầy lặp lại câu hỏi mà thầy vẫn luôn tò mò mỗi khi gặp em độ này trong năm: có gì đó đặc biệt với tháng Năm sao? Không phải lại lý do cũ nữa chứ?” Giờ thầy lại ra vẻ nghiêm túc. Phải ráng lắm tôi mới không phì cười trước vẻ mặt của thầy Kha Luân. Mỗi lần nghiêm túc là mặt thầy trông như phì ra, cơ mặt căng trương, mũi phồng lên làm đẩy cặp kính cận dày cộm của thầy. Tôi cười nhoẻn miệng, khẽ đáp: “Thầy biết mà, có một cuộc hẹn mà em chưa thực hiện.” .“Vẫn câu trả lời cũ, em vẫn kín kẽ như ngày nào.” Thầy làm tịch ngó quanh sân trường rồi nhún vai như muốn nói với tôi rằng thầy vẫn chưa thấy đối tượng. “Đứa nào mà có thất hẹn với em những ba năm rồi thì tốt hơn hết nên mau chóng lộ diện đi để thầy còn biết mặt mà trách phạt.” Tôi và thầy cùng cười trước câu đùa không mấy vui đó, đúng hơn là tôi cười một cách lịch thiệp và xã giao để không làm thầy tôi khó xử. “Thế em cứ tự nhiên đi nhé. Thích thì ghé lại thư viện cũng được, thứ Bảy hàng tuần cô Niên Hoa đều mở cửa đến tận chiều cho tụi nhỏ sinh hoạt câu lạc bộ. Em biết đó, giống như nhóm Tứ Trụ của bọn em ngày trước.” “Em biết rồi ạ, thầy cứ trở về phòng giáo viên làm thủ tục hành chính đi ạ. Cứ để em tự nhiên dạo trường một lát rồi về ngay.” “Ùm, thôi chào em nhé. À mà, chiều tối mốt có rảnh thì nhớ ghé sang nhà thầy với mấy cô ăn tiệc tổng kết học kỳ nhé.” “Nhất định ạ.” Tôi chào thầy rồi thấy vui vẻ kẹp chiếc cặp táp bên hông rồi hướng về phía dãy nhà ban giám hiệu của trường. Tôi dõi theo bóng thầy cho đến khi khuất xa dần thì chuyển về hướng thư viện. Đó đã từng là căn cứ mỗi ngày để bốn người chúng tôi họp bàn dự án, học nhóm và bày nhiều chiến lược khác, nhưng giờ tôi không còn muốn bước chân vào nữa vì nơi đó làm tôi đau. Thời thanh xuân quanh như cơn gió thoảng khi nãy, vô tình cho ta sự nhiệt huyết phi thường để rồi cũng nhanh chóng lấy đi tất cả và những gì còn lại trong ta sẽ là cảm giác hoài niệm và tiếc nuối. Tôi tiếc nuối vì cuộc hẹn giữa tôi với người đó, ngay dưới gốc cây tử đằng to nhất trường, sẽ mãi không thể thực hiện được. Vì tôi sống cho những hoài niệm còn người kia thì đang yên bình ở thế giới bên kia. Tôi lại tiếp tục rảo quanh quẩn sân trường, trở về miền ký ức. Đổng Khiết, người con gái đã hẹn tôi dưới gốc cây tử đằng này. “Đổng” trong hiểu biết và “Khiết” trong sự trong suốt, hai từ duy nhất trên đời này có sức mạnh đánh bật tôi, khiến tôi chao đảo và vụn vỡ mỗi khi được nhắc đến. Bốn năm, cũng thấm thoát ngần ấy năm, nhưng trong tôi mọi thứ vẫn như mới hôm qua. Mọi thứ về người con gái đó, về việc cuộc gặp gỡ lạ kỳ của chúng tôi, về những chuyện mà chỉ có chúng tôi biết và trải qua. Lạ kỳ và bện xoắn, như cô ấy từng nói, kể từ hôm đó sợi chỉ vận mệnh đã làm điều bất khả, nó đan xen hai số mạng vốn chẳng thể gặp được nhau trong cùng một chiều thời gian. Nén lại những hồi tưởng, tôi chợt nhận ra mình đang đứng trước cửa thư viện, nơi lần đầu tôi và cô ấy biết nhau. *** Trấn Mâu Thủy giờ không còn lấy ngư nghiệp và hoa kiểng làm kinh tế chính nữa mà thay vào đó là các ngành dịch vụ, và những giá trị xưa cũ mà nó từng níu sắp sửa bị thay thế. Đã lâu rồi tôi không còn trông thấy những sắc đỏ phủ đầy mọi ngóc ngách trong trấn. Đỗ mai, thiệp đỏ, rồi hàng ớt treo lủng lẳng trước tiệm mì Gia Ký mà ngày đó tôi và đám “Tứ Trụ” gồm Thiên Vũ, Nhị Đại, Tiểu Ân hay tạt ngang sau mỗi buổi học,... tất cả đều không còn nữa. Nhóm Tứ Trụ, phải rồi, các chiến hữu năm xưa của tôi, chắc giờ bọn nó sắp tốt nghiệp đại học cả rồi. Thiên Vũ cao kều chắc sớm nối nghiệp cơ khí nhà nó sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa; Nhị Đại thì ra Bắc để vào Kinh tế Quốc dân như bố nó yêu cầu; còn muội muội Tiểu Ân theo gia đình trở về Trung Quốc và dấn thân thành họa sĩ minh họa sách. Tôi rất trông đợi một dịp nào đó nhóm tôi tái ngộ và tôi sẽ đặt hàng một tấm bìa thật hợp cho thiên truyện mà tôi sẽ xuất bản vào cuối năm nay. Tháng Năm không trùng dịp nghỉ lớn nào, lại đang trong mùa thi cực điểm nên chỉ có mỗi tôi là cựu học sinh duy nhất đang lưu lạc ở thị trấn biển buồn tênh này, vì một ngoài kia vẫn còn cuộc hẹn mà tôi phải gặp. Rời trường Thanh Phong, tôi cuốc bộ xuống ngọn đồi nhỏ thoai thoải với một chiếc balo nhỏ trên vai – tôi không mang nhiều đồ cho lắm. Trường tôi nằm ở hướng Tây của thị trấn, gióng thẳng ra phía sau trường là ngọn hải đăng và bãi thuyền chài. Qua hàng hoa giấy trước cổng , tôi rảo bước xuống con đường lót đan chạy dài bên triền đồi xanh mướt những cây bụi và cỏ phi lao, hướng thẳng về nhà. Nhà tôi cách trường tầm vài phút bộ hành, nhưng ngày trước tôi luôn dành nửa tiếng để xách con “chiến mã” Maruishi cùng đồng bọn thưởng cảnh đẹp của những dãy phố. Tôi vẫn còn nhớ như in ngày nào tôi và đám còn lại trong nhóm Tứ Trụ hay lượn qua cung đường phía tây nam của trấn, nơi trồng những khóm cây Kochia; sau đó đánh một vòng từ bãi Tây sang bãi Đông để ngắm bãi biển trắng ngà, điểm xuyết bằng mấy rặng Phong Ba thấp lùn; rồi quành lại ngay góc ngã ba Trung Lưu, chỗ tiệm mì Gia Ký để ai về nhà nấy. Vậy mà giờ chỉ còn tôi làm lữ khách lạc lõng nơi đây. Đi khoảng tám trăm thước nhánh lộ nhỏ bên phải tiệm mì là tới nhà tôi, nơi có chiếc cổng nhỏ được phủ bằng cây tử đằng. Đang vào mùa Đông nên cây vẫn chưa trổ những hàng bông tím rủ dài xuống mái hiên lợp ngói cam. Nhẹ nhàng, tôi mở cổng bước vào. Chưa kịp cất giày lên kệ thì mẹ tôi từ bếp đã quát vọng ra: “Kiến Minh! Con về sao không nói mẹ biết?” Giọng bà nấc từng tiếng, vẫn như thế mỗi khi tôi từ tỉnh trở về. Vì tôi hay về vào tháng Năm nên cứ độ này bà chỉ bán đúng một loại tôi thích trong cửa tiệm: bánh cookie kem chanh custard dùng kèm với siro tử đằng. Tôi biết bà mừng lắm về tôi lắm. “Con có gặp được bạn gì đó mà con hẹn không?” Vẫn là câu hỏi cũ nhưng mong đợi một câu trả lời khác, tôi có phải một kẻ ngốc trong mắt mọi người không? Tôi rất muốn mẹ nhớ lại những gì chúng tôi đã trải qua, nhưng kể cả khi tôi có muốn giải thích, ngôn từ cứ như nghẹn trong họng, bất lực không thoát ra được vì sự mệt mỏi vô ích. Mọi thứ đã rời đi khi cánh cổng thời không khép lại. “Vẫn chưa mẹ ạ. Năm sau con lại thử tiếp.” “Mẹ lo người đó sẽ không tới đâu, đừng tự làm khổ mình như vậy. Con có thể về dịp khác khi công việc thư thái hơn. Sắp tới đi làm chính thức cho lãnh sự quán rồi, con phải bỏ đi lời hứa đó.” “Con sẽ cân nhắc.” Tôi cười với bà, đáp gọn lỏn. “Mẹ đang làm món gì vậy?” Tôi vội bắt sang chủ đề khác để tránh phải khó xử. Tôi luôn về vào giữa trưa và vô tình biến bữa trưa mỗi thứ Năm đều là những bữa cỗ nho nhỏ chỉn chu đầy màu sắc và mùi vị. “Cua đỏ nướng phô mát, cá tầm hấp và một ít gỏi cá hồng. Con lên lầu cất đồ đạc đi rồi xuống nhà dùng bữa với mẹ. Giờ con chính thức thành người lớn rồi nên mẹ sẽ thết đãi con chỗ rượu tử đằng bốn năm tuổi kia.” À, là chiếc bình Chu Đằng Hồng Tửu – một cái tên kiêu sa mà mẹ tôi đặt lấy – mà ngày đó tôi chia sẻ với cô ấy qua bộ đàm. Tôi với lấy cốc rượu đang uống dở của mẹ lên nhấp một ngụm lớn. Sau bốn năm đại học thì tửu lượng của tôi cũng khá lên rất nhiều. Hương vị ngọt nồng nàn và thơm nhẹ nhẹ chứ không cay xộc lên mũi. Theo từng dòng men say, cảm xúc và ký ức về một thời không bị lãng quên bất chợt ùi về. Tôi cười nhạt rồi lếch lên phòng ở tầng trên, tìm lại góc cũ. Căn phòng nơi từng tràn ngập CD nhạc ngoại và kinh văn, nay đã bị thay thế bằng những công thức vật lý, và những mớ giấy lộn chi chiết công thức, phương trình. Những chồng sách tâm lý, bộ môn mà bốn năm trước tôi đã dự tính theo đuổi khi vào Đại học Tổng hợp Quốc gia, đã được thay bằng những đầu sách và tạp chí về vật lý lượng tử. “...Thật sự mình cũng không biết mình có thể chờ đến bao lâu.” Tự thân tôi cũng nhận thức được tình hình của mình bây giờ ra sao: tôi chỉ có thể chờ cô ấy hết năm nay thôi. “Hy vọng rằng lời hứa năm đó sẽ thực hiện được.” Trong thoáng chốc, những kỷ niệm mơ hồ về cô gái tên Đổng Khiết hiện về. Tôi vội tìm lại hộp bánh quy cũ bằng thiếc đặt ngay ngắn dưới chiếc bàn học, phủi đi lớp bụi mỏng và mạng nhện, rồi lần lữa nữa muốn mở, nữa không. Như để củng cố cho niềm tin trơ trọi rằng Đổng Khiết sẽ trở về, tôi cần phải xác nhận lại lần nữa bằng bút tích của chính người đó. Tôi mở chiếc hộp, lần giở những lá thư được xếp ngay ngắn theo trình tự thời gian đến ngay vị trí cuối cùng. Là bức thư tôi nhận được từ cô ấy vào ngày 6 tháng Sáu năm 1997, theo dòng thời gian của tôi. Hít một hơi thật sâu, tôi thu hết can đảm để mở trang thư như sợ rằng những lời trong đó sẽ theo gió cuốn đi khi tôi vừa hé mở phong thư. Nhưng tôi cần phải xác quyết một lần nữa với bản thân mình, rằng tất cả những gì đã trải qua trong sáu tháng với người đó không phải là mộng tưởng, rằng cuộc gặp gỡ ngày hôm đó qua cuốn Cấu trúc Nhân cách không phải là một sự tình cờ, và rằng chúng tôi sẽ có cơ hội gặp lại tại một giao lộ thời gian nào đó, nơi hoa Tử Đằng sẽ không nở vào tháng Ba. Tôi thở mạnh, dứt khoát mở chiếc thư đang gấp lại, đọc thầm thật chậm từng nét chữ ngay ngắn của người đó. Tháng Sáu, 1994 Gửi cậu, chàng trai của tương lai, đây có lẽ là bức thư cuối của mình. Ngày mai, theo như cậu nói, sẽ là ngày cuối cùng trong đời mình. Tớ cũng không biết những gì chúng ta đã làm trong suốt những tháng qua có thể thay đổi kết cục tương lai của tớ hay không, nhưng cảm ơn cậu nhé. Chí ít thì những ngày tháng qua cậu đã luôn bên tớ. Khó mà tin rằng một người ở tương lai cách tớ vài năm, lại chẳng biết gì về tớ mà có thể hiểu tớ đến thế. Nếu ở đâu đó tồn tại một chiều không gian mà hoa Tử Đằng không nở vào tháng Ba, có khi tớ sẽ gặp lại cậu, hy vọng trước khi năm 2000 kết thúc. Lúc đó, tớ sẽ đãi cậu một bữa ra trò vì đã giúp tớ. Đổng Khiết. P/S: Đổng trong “hiểu biết” không phải trong đỏng đảnh, dừng giễu tên tớ đi nhé. Cuộn phim ký ức năm nào bỗng tua lại và tràn ngập trong ý thức tôi. Mọi chuyện có lẽ bắt đầu vào cái ngày thứ Bảy đó của năm ‘96.
Free reading for new users
Scan code to download app
Facebookexpand_more
  • author-avatar
    Writer
  • chap_listContents
  • likeADD