Kiến Minh III, '96

4160 Words
    Sau chuyện hôm qua, tôi đã dành cả ngày Chủ nhật để nghĩ về người đã đính thông điệp không muốn ai phát hiện vào một quyển sách chẳng mấy ai đọc kia. Đó rất có thể là một bạn nữ vì lời văn khá tâm trạng, nhưng đó cũng có thể là bạn nam vì chất liệu trong thông điệp khó có thể đến từ một tâm hồn nữ tính được. Trong thư cậu ấy có nhắc tới Al Stewart, có lẽ là một ca nhạc sĩ nào đó, nên tôi đã tức tốc chạy đến hãng đĩa chú Bình để tìm hiểu.     Và những gì tôi nhận được thật ngoài mong đợi.     “Cháu nói sao? Al Stewart ư? Lâu lắm rồi bác mới thấy có người tìm đĩa hát nhóm này. Tiếc là bác không còn nữa?”     “Ơ, sao vậy bác, hàng không về nữa sao?” Tôi có chút hụt hẫng.     “Một phần là vậy, một phần là vì dân ở đây ít ai sành nhạc. Mấy nhóm nhạc xa lạ như vậy, cả trấn này bác chỉ bán được cho ông chủ xưởng tàu cũ và con gái ổng. Tiếc là cả hai đột ngột rời đi và mang theo đĩa gốc duy nhất bác có rồi.”     Nghe vậy tôi bỗng có một suy đoán về người bạn kia. Cậu ấy có thể không phải là người ở đây như tôi, hoặc cậu ấy là người đã chuyển đi như lời bác Bình nói. Song, trường hợp sau có vẻ ít có khả năng xảy ra hơn vì cuốn sách kẹp ngoài lá thư vẫn còn lưu lại vết tích dấu tay phủi bụi. Tôi chắc rằng cô Niên Hoa không chạm tay vào vì nếu có, cô sẽ lau cả dãy chứ không chỉ ưu ái mỗi quyển đó, hơn nữa cô ây cũng tỏ thái độ ngạc nhiên khi tôi chạm vào quyển đó còn gì. Hy vọng suy đoán của tôi là đúng.     “Cháu cảm ơn bác, vậy cháu đành ra về tay trắng rồi.”     “Nếu mấy lô sau nhập về có nhóm này thì bác sẽ gọi cháu tới nghe. Bác chắc chắn cháu sẽ thích bài Year of The Cat cho xem.” Bác Bình cười khà khà, vỗ vai an ủi tôi.     Không thu hoạch được gì, tôi đánh xe dạo một vòng quanh con đường lót đá ôm dọc eo biển. Hương gió biển ban chiều luồn qua từng mái tóc, cảm giác rin rít và vị mặn đặc trưng khiến tôi tạm thời quên đi những phỏng đoán gà vịt về người bạn kia. Nhưng không hiểu sao, khi đọc những dòng đó, tôi cảm thấy mình có một nối đặc biệt nào đó với người kia mà khó có thể giải thích được bằng lời. Nó giống như một động lực vô thức cứ thúc đẩy tôi tìm về người đó, như thể những lời trong bức thư đó là một lời cầu cứu mà chỉ tôi đọc ra được.     Có lẽ, thứ Hai hoặc thứ Ba mọi chuyện sẽ rõ ràng. Nghĩ vậy, tôi gạt đi suy nghĩ mà phóng con chiến mã thật nhanh lên đỉnh dốc để tận hưởng cái cảm giác sảng khoái của gió biển phà vào mặt đến rát.     Trở về nhà, tôi tranh thủ làm việc nhà, làm bài tập, đọc chút sách rồi tranh thủ chợp mắt để còn có thể dậy sớm nhào bột, phụ mẹ làm bánh nữa.                                                                                      ***     Trời vẫn chưa tờ mờ sáng, tôi đột nhiên tỉnh giấc, mồ hôi đổ ướt cả áo, đầu óc hơi xây xẩm.Tôi vừa trải qua một giấc mơ kỳ lạ, không phải ác mộng, chỉ là mọi thứ cứ mơ hồ nửa thật nửa ảo, những hình ảnh vào một cuộc đời xa lạ nào đó nhưng lại cho cảm giác quen thuộc, như thể đâu đó trong miền ký ức tôi vẫn còn mang máng lưu giữ được chúng.     Trong cơn mơ đó, tôi thấy mình trú ngụ trong những cơ thể khác nhau, trải qua những không gian, bối cảnh khác nhau, mờ ảo có thực tế có, bên cạnh một người con gái kỳ lạ. Tôi không thể nào gợi nhớ được khuôn mặt cô ấy vì hình ảnh cứ bị nhòe. Cô ấy có nói gì đó nhưng tôi nghe không rõ vì âm thanh như bị xoắn lại, nhưng loáng thoáng thì cô ấy muốn tôi mang cô ấy khỏi đó. Sau đó là một loạt những hình ảnh kỳ lạ lướt qua trong não tôi, tôi thấy mình và cô gái đó trải qua rất nhiều nguy hiểm và hình ảnh cuối cùng trước khi tôi bật tỉnh là cô ấy... gục ngã trong vòng tay tôi. Mọi thứ trong cơn mơ đó rất thật, tôi như thể cảm nhận được hơi ấm và thứ chất lòng nhầy nhầy đặc sệt nào đó chảy ra từ bụng cô ấy. Đúng lúc đó thì tôi bật dậy.     Ngồi định thần lại trên giường tầm vài phút, tôi liếc nhìn đồng hồ thấy thấy cũng gần bốn giờ sáng. Dù gì chút nữa cũng phải phụ mẹ nhào bộ làm bánh nên tôi quyết định đi rửa mặt cho tỉnh táo. Rửa mặt xong xuôi, tôi thấy đèn phòng mẹ được bật.         Sáng tinh mơ nào cũng vậy, mẹ tôi lại lục đục chuẩn bị thau cối, bột bánh và nhóm lò, sau đó vào buồng gọi tôi dậy. Kể ra thì tôi cũng thích “gia nghiệp” làm bánh nhà tôi. Gọi hoa mỹ là gia nghiệp vậy thôi chứ bây giờ cũng chỉ còn một lò nướng công suất lớn. Ngày trước gia đình tôi sống ở trên tỉnh, buôn bán rất được. Mẹ và bố đều đích thân sáng chế công thức và đứng bếp, mỗi người có một phong cách riêng, phụ trách những lò riêng.      Bố tôi hồi còn trẻ từng là bếp trưởng phục vụ trong lãnh sự quán Pháp nên một phần tôi được tiếp xúc ngoại ngữ sớm là nhờ ông. Sau vài năm tích góp, ông cũng mở được cho mình một tiệm bánh Âu nhỏ nhỏ bên góc đường Saint-Exupéry và cũng tại nơi đó, ông đã gặp mẹ tôi. Mẹ tôi năm đó là học viên trong tiệm bánh của ông, có lẽ là học viên duy nhất vì ông không đủ tiền để trả cho người thứ hai. Dù là học viên, nhưng bà không khác gì bếp phó cả, phải kiêm nhiệm lo toan mọi thứ từ nguyên vật liệu, phụ bếp, lau dọn, trông coi cửa hàng và thi thoảng thảo luận cùng ba tôi về những công thức bánh. Hai con người say mê món ngọt cứ thế quyện vào nhau như từng thớ bột được nhào nặn và thứ men hóa học nảy nở từ chỗ bột đó đã hình thành nên tôi.     Nhưng tình yêu đó vốn là sự kết hợp của hai thứ bột không thể hòa vào nhau được, và cỗ bánh tính yêu giữa hai người dần lộ ra những vụn vỡ do thiếu kết cấu. Bố tôi, vì xuất thân và vì lịch sử gia đình bên nội, từ lâu đã gắn mình trong những hàng boulangerie và  bột pastry, phô mai và crème của Pháp, trong khi mẹ tôi lại cố gắng dung hòa và sáng tạo nên những công thức như bột mì phổ thông, cacao, chuối, khoai…     Không ai mở lời chủ động cả, mọi chuyện cứ vậy trôi tuột dần cho đến ngày mẹ dẫn tôi rời thành phố để về trấn Mâu Thủy này, quê hương của mẹ. Khi đó, tôi vừa tròn mười lăm.     Khi chuyển về đây, nhờ thành tích học tập xuất sắc trước đây mà tôi dễ dàng vào được trường Thanh Phong, ngôi trường làng duy nhất luôn có mặt trong mọi bảng thành tích thi đua trong nước và trên trường quốc tế. Thật ra thì mẹ tôi cũng có giúp đỡ, vì thầy hiệu trưởng là bạn thời đại học của bố tôi và tôi luôn biết ơn bà vì đã luôn âm thầm che chở và nâng đỡ tôi.     Vậy nên, chút ít cực nhọc mỗi sáng phụ mẹ nhào bột, canh lò và làm các loại bánh hấp, bánh chiên chẳng là sá gì so với công lao của bà.     “Này Minh, sao con cứ cười mỉm hoài thế?” Hai mẹ con đang nhào bột, đột nhiên mẹ lên tiếng hỏi.     Tôi vừa đáp vừa cười mỉm chi mà không biết mẹ đang quan sát mình.     “Tại… con mới gặp được một bạn có sở thích và cách tư duy khá lạ làm con thấy thú vị.”     “Thú vị như thế nào?”     “Dạ… đại loại bạn ấy trăn trở về tương lai của bạn ấy, tự hỏi liệu ở nơi đó có gì ngoài hoa tử đằng và CD của Al Stewart.”     “Là bạn nữ à?” Mẹ tôi tò mò hỏi dò.     “Đâu có… con không nghĩ vậy,” – tự nhiên tôi thấy mắc cỡ – “tuy nói là ‘gặp’, nhưng con chỉ mới ‘gặp’ qua thư thôi ạ. Phải đợi hồi đáp nữa…”     “À, ra là bạn qua thư. Lại còn là Al Stewart và hoa tử đằng nữa chứ. Ôi, thật là hoài niệm.”     “Mẹ biết người này sao?” Tôi trố mắt ngạc nhiên. Không thể tin được mẹ tôi lại biết nhạc ngoại.     “Không phải người mà là nhóm. Nhóm nhạc. bài Year of The Cat là bài bố con đã tỏ tình với mẹ và cách của ông ấy là nói lên lòng mình qua thư. Giờ nhìn con rất  giống ông ấy của ngày xưa…” Mẹ tôi chợt ngẩng mặt ngó lên trần nhà, như thể trong bà đang gợi lại những hồi ức xưa cũ.      Tôi chau mày làm ra vẻ khó hiểu. “Mẹ… Sao tự nhiên lại nhắc tới bố?”     Không phải tôi ghét bố vì tôi luôn nghĩ hôn nhân là một sự đồng thuận và là sự nối dài của quá trình hợp-tan. Nếu cả hai cùng đồng thuận, họ sẽ chan hòa bên nhau và ngược lại. Nhưng cảm xúc thì không vận hành như vậy, bởi chẳng có chia ly nào không đau khổ cả, mà tôi lại không muốn mẹ đau buồn dù chỉ là một chút.     “Con thừa hưởng sở thích và cách suy nghĩ của ông ấy, nhất là khi quan tâm đến con chữ và đó là lý do mà mẹ đồng ý theo ông ấy suốt những năm đó.”     “Mẹ nói vậy là sao?”     Quả thật tôi rất tò mò vì dẫu mẹ con tôi luôn tâm sự mọi thứ với nhau, nhưng đây là lần đầu mẹ chủ động nhắc về bố và về những chuyện trước khi có tôi.     “Có lẽ con trai mẹ cũng đủ lớn để mẹ có thể tâm sự rồi, chí ít thì con cũng sắp vào giai đoạn biết thích và cảm nắng một người. Dẫu gì cũng phải đợi bột ủ men nửa canh giờ, để mẹ kể con người thêm về ông ấy.”     Tôi nhanh chóng nghe lời mẹ nhấc chỗ bột vừa nhào vào thau ủ và ngắt nhỏ thành từng đoạn theo khuôn và tạo chút ít họa tiết trên bề mặt, rồi nhanh chóng ngồi xuống nghe mẹ kể chuyện.     “Một bức thư và một bài hát là tất cả những gì cần để nói lên tâm tư. Năm đó mẹ đến học việc tại cửa hàng bánh âu của bố con, do ít người nên mẹ lúc nào cũng tất bật, còn bố con thì túc trực trong bếp với nguyên liệu và hơi nóng của ba chiếc lò luôn hoạt động hết công suất. Thứ âm thanh duy nhất nối kết mẹ và bố lúc đó là tiếng lẻng kẻng của kim loại khua vào nhau. Ấy vậy mà bọn mẹ hiểu nhau đến không ngờ, ăn rơ trong từng thao tác và đoán biết được ngụ ý của người kia mà không cần mở lời. Con nghĩ đó là gì?”     “Con… không rõ… yêu chăng?” Tôi thấy có chút sượng vì đây là lần đầu mẹ kể tôi về “chuyện tình”.     “Chưa đâu, trước tiên phải là sự đồng điệu về hoặc là thân xác, hoặc là tâm hồn. Chúng ta đã rất ăn khớp với nhau trong từng thao tác, nhưng nếu chỉ như thế thì chỉ dừng lại ở mức đồng nghiệp mà thôi. Chúng ta thích nhau, mẹ có thể cảm nhận được, nhưng để đạt được sự đồng điệu trong tâm hồn thì một trong hai người phải vượt qua cái tôi của mình để tạo môi trường cho hạt mầm tình cảm nảy nở. Và bố con đã tiến một bước quan trọng đó.”     Mẹ tôi dựa tường, nhìn tôi trìu mến rồi lại quay sang khoảng không vô định ngoài sân. Chợt tôi thấy mắt bà có những giọt long lanh.     “Bố con bắt đầu bằng một bức thư dán trong khuôn đại hình chữ nhật, rằng ông ấy muốn gặp mẹ dưới cây tử đằng ở công viên cuối phố. Tâm hồn thiếu nữ của mẹ nhanh chóng bị lung lay khi cầm bức thư đó và gặp bố con dưới hàng tử đằng. Ngay trong khung cảnh đó, ông đưa ta một đĩa nhạc của Al Stewart và đó là lần đầu tiên mẹ và bố vui vẻ, tự do thoải mái nói về những sở thích, gu âm nhạc của cả hai.”     Tử đằng… Al Stewart... Kỳ lạ thay khi mọi thứ đều xoay quanh hai thứ này.     “Vậy mẹ chắc cũng biết bài Year of The Cat?”     Và đúng như tôi dự đoán…     “Mẹ biết, đó là bài mẹ thích nhất trong CD đó, cũng là bài mà bố con hay chơi cho mẹ nghe.”     “Nhưng sao mẹ lại nói con nghe những chuyện này?”     Đây là điều tôi thắc mắc tự nãy giờ. Vì sao lại có cuộc hội thoại này? Mẹ muốn nhắn nhủ tôi điều gì?     “Con có tin vào việc lịch sử có thể kéo dài và lặp lại không? Bố và mẹ luôn tin vào điều đó và bây giờ mẹ lại thấy điều đó sắp sửa chớm nở ở con. Mẹ không nói rằng con nên đi tìm hiểu và “yêu” ngay bạn đấy...”     Mẹ tôi ngừng lại một chút để lựa lời, như một thói quen của bà.     “Mẹ muốn nói rằng, nếu con tìm thấy sự đồng điệu trong bất kỳ điều gì hay bất kỳ ai, đừng vì một chút ngần ngại mà để cơ hội đó vụt mất. Ôi quên khuấy đi mất, chỗ bột kia nở hơi lâu rồi, sẽ dai hơn mức mẹ muốn cho xem.”     Tôi hiểu ý mẹ nên cũng không thắc mắc nữa, vội phụ bà nhào tiếp chỗ bột và cho thêm tinh dầu hoa cúc và hoa cam vào, nhào nhẹ nhàng rồi nắn thành từng mẩu nhỏ tròn tròn. Kế đó, mẹ tôi quết lớp hỗn hợp bơ và trứng lên mặt bánh rồi cho vào lò. Xong xuôi, mẹ giao tôi hộp đồ ăn trưa thêm ít tiền quà vặt rồi quay lại làm việc như thể chưa có gì xảy ra.                                                                                             ***     Không như những trường khác, lớp khác, thứ Hai của lớp Tinh Anh chúng tôi khá vất vả vì đó là ngày chúng tôi phải lên kế hoạch và chỉ tiêu thành tích cho mỗi tuần, rồi phải báo cáo lại vào mỗi thứ Bảy. Khá là vất vả.     Cũng sắp tới phải thi lục cá nguyệt, chúng tôi cần phải tập trung một chút bởi đề của trường phân phối cho lớp tôi cao hơn chuẩn chung rất nhiều. Nhưng đó không phải là những gì chúng tôi nhắm đến.      Thứ chúng tôi thật sự đeo đuổi phải hỗ trợ cho đam mê của mỗi đứa. Tiểu Ân sắp tới sẽ dự chung kết Họa sĩ Trẻ Không chuyên; Nhị Đại đang quyết tâm dành một huy chương giải Toán Quốc gia; Thiên Vũ thì bận chế một bộ radio khuếch đại hay một trạm phát sóng gì đó mà nó hay nhờ tôi sang xem và phụ.      Còn nhóm trưởng tôi đây thì đang ấp ủ ý tưởng cho một thiên tiểu thuyết có thể nói lên được vấn đề của thời đại, tựa như Walt Whitman hay Baudelaire vậy. Những áng văn viết về những điều bình thường nhưng nói lên được thời cuộc và tư tưởng sâu sắc.     Đang tơ tưởng vu vơ thì tiếng gọi đầy trìu mến từ trên bục giảng vang lên:     “Kiến Minh, lên bảng giải bất phương trình số mũ này cho cô.”     “Dạ? À… dạ vâng ạ.”     Dù rất ghét nhưng phải thừa nhận rằng đại số và giải tích không phải sở trường của tôi, chuyến này coi như đành phó mặc vào năng lực hạn hẹp vậy.     Trước tấm bảng đen, tôi và thằng “bất phương trình” kia như hai kẻ xa lạ nguyện không chiến cùng thao trường. Dù về cơ bản tôi nắm được bản chất của bài toán và cách thức để biến đổi cơ số, xét điều kiện và các tính chất lũy thừa, nhưng do mải lo ra nên tôi không nắm bắt được cách giải.     “Em đừng nghĩ một chút giải thưởng Văn học kia có thể giúp em qua được kỳ thi tú tài gắt gao. Nên nhớ toán học là cốt lõi của mọi vấn đề. Thiên Vũ lên giải bài này hộ cô nhé.”      Người vừa ra chỉ dụ học tập kìa là t trưởng bộ môn Toán-Tin Đàm Thái Linh nổi tiếng khắt khe nhất trường. Đối với cô Thái Linh, một bài toán không giải được là một khúc mắc đối với kẻ chưa biết, nhưng đối với kẻ đã biết thì là một tội ác phải trừng trị. Và tôi vừa tự chuốc cho mình án tử.     “Vâng ạ, để em ‘thay’ bạn giải hộ.” Trong thoáng chốc, thằng Thiên Vũ nó đá chân mày thể hiện. “Ra đi vui vẻ nhé ‘con hàng’.”     Thề là tôi muốn tung cho nó một đấm, cái mặt của nó vốn đã khó ưa, thấy đồng đội lâm nguy không cứu được còn châm chọc.     “Còn Kiến Minh, em biết quy định của lớp đặc biệt khi không làm được bài rồi đấy. Xuống thư viện học lại kiến thức và giải cho được câu số năm này, đầu tiết Toán thứ hai lên cô kiểm tra lại.”      Cô Thái Linh chìa cho tôi một tờ giấy nhỏ chứa một bài toán vận dụng bất phương trình dài một g**g tay. Cho những ai chưa biết, trong chương trình của chúng tôi, mỗi một chuyên đề sẽ chia làm nhiều bài học, mỗi bài học sẽ được tổng kết trong năm câu bài tập xếp theo thứ tự từ dễ đến khó. Muốn giải được câu năm, tôi phải sử dụng kiến thức và kinh nghiệm từ bốn bài trước đó. Thật không sai khi ví cô Thái Linh là Diệt Tuyệt Sư Thái của môn toán với các đề bài “kịch độc”.     “Dạ vâng, em sẽ giải đúng thưa cô.”     Coi như hôm nay thua thằng Thiên Vũ một kèo rõ đau. Cô tổ trưởng toán Thái Linh nói không sai, có lẽ tôi nên bớt mơ mộng lại vì quy định lớp Tinh Anh rất gắt gao.      Theo mô hình đào tạo nhân tài mũi nhọn, lớp chuyên Tinh Anh sẽ do các tổ trưởng bộ môn đích thân giảng dạy mà mỗi giảng viên này đều được tập huấn từ trên Bộ nên lượng kiến thức mở rộng mà họ đưa về giảng dạy là rất khủng. Học sinh nào không nắm được kiến thức thì phải lập tức xuống thư viện tự học lại bài học đó cho đến khi hiểu rõ vấn đề mới được nạp kiến thức tiếp theo của môn đó. Nói trắng ra, chừng nào còn không làm được bài thì chừng đó phải ngồi lì trong thư viện tự học, không được phép lên lớp. Nếu quá ba lần không giải được bài, học sinh sẽ bị loại tư cách học sinh Tinh Anh.     Quả là một gánh nặng, nhưng không ai trong chúng tôi lên tiếng cả.                                                                                                ***     Thật ra đối với tôi đây không hẳn là hình phạt vì thư viện trong giờ học rất vắng vẻ, chả bù cho sự động nghẹt mỗi khi giải lao. Bài toán của cô Thái Linh không lắt léo, nó chỉ dùng độ dài và sự hoa mỹ của câu từ để đánh đốc kẻ học. Giờ bình tĩnh hơn, tôi có thể ngẫm lại cách giải bốn câu trước và áp dụng trực tiếp vào câu năm nay.     “Phù, vậy là tiết sau phải lên lớp rồi…” Tôi vươn vai một cái thật đã.     “Bị phạt thế này cũng thích Kiến Minh nhỉ?”     Cô Niên Hoa nghiêng đầu, nở nụ cười tươi sáng hơn cả con đường trải gạch vàng dẫn tới xứ Oz.      “Dạ vâng…”     Biểu cảm trong sáng của cô làm tôi xấu hổ vì tinh thần học tập đã bị quấy nhiễu bởi suy nghĩ vu vơ. Đứng trước nữ thần tôn nghiêm, một kẻ đang lãnh chịu chịu phạt như tôi chỉ muốn hạ thổ trốn quách cho xong. Thật mất hình tượng!     “À, hôm bữa cô thấy em ghi ghi gì đó vào trong quyển sách tâm lý phải không?”     “Dạ… vậy là bị cô phát hiện rồi. Em thấy có một bạn hay viết thư tay khá hay nên thử hồi đáp xem sao. Em đảm bảo không viết bậy lên sách, xin cô hiểu cho và đừng rầy em…” Tôi cúi mặt, vì ngại chứ chẳng vì sợ.     “Cô hiểu mà, đâu phải mỗi mình em chơi trò đó.”     Một manh mối mới, cô Niên Hoa biết người gửi thông điệp ư? Tôi ngước mặt lên, tập trung vào chi tiết mới nghe được.     “Cô biết bạn gửi thư sao, có thể cho em biết không ạ?” Mặt tôi biến chuyển trăm tám mươi độ, từ rụt rè quay sang háo hức trong một khắc.     “Ừ, nhưng là chuyện cũ rồi… không nên nhắc lại. Chỉ là cô thấy hoài niệm về ngày xưa thôi.”      Cộ vội quay đi nhưng trong thoáng chốc, tôi thấy trong mắt cô có những hạt rưng rưng.      “Mà này, nếu hôm nay bạn đó hồi âm thì giới thiệu cô biết nhé, dạo này cô bận soạn chương trình ngoại khóa và kỹ năng sống nên không trực ở thư viện được. Cô tin hai đứa sẽ là một cặp đó.”     “Ặc… ặc…” Tôi nghe mà sặc nước. “Sao cô lại nói vậy? Em còn không biết bạn ấy là ai mà?”     “Kinh nghiệm cho cô biết thế.” Cô nghiêng đầu, nheo mắt như thể muốn chốt hạ mọi lựa chọn khác cho tôi. “Thế nhé, thôi cô có việc rồi, em cứ thong thả ở đây đọc sách chờ ra chơi sau lên lớp nhé.”     Thật kỳ lạ, tôi cảm thấy ở cô Niên Hoa có điều gì đó mà cô muốn giấu đi hoặc không muốn khơi lại. Nhưng có một chuyện mà cô nói đúng, tôi nên kiểm tra thư hồi đáp.     Và…         Không thể nói là tớ hiểu được những gì cậu nói, nhưng bài nhạc mà cậu đề cập tới, là điều mình luôn biết nhưng không dám thừa nhận với bản thân. Không ngờ một người xa lạ mà lại cho tớ câu trả lời tớ không dám đối mặt nhất, mà cậu có vẻ hiểu biết nhiều về văn chương. Mình sẽ thấy rất vui nếu ta có thể chia sẻ nhiều hơn về văn thơ. Ngày mai tớ sẽ ghé tiệm sách cũ Hoa trong trấn, nếu cậu không bận thì dạo cùng mình nhé. Mình sẽ chờ dưới dãy tử đằng trước cổng.     P/S: Cậu có thể gọi mình là Khiết.     Một buổi hẹn hò! Tôi đã thành công có được một buổi hẹn! Đời trai tân của tôi sẽ chấm dứt trước thằng Thiên Vũ rồi! Tôi reo hò, phóng bạt mạng về lớp.
Free reading for new users
Scan code to download app
Facebookexpand_more
  • author-avatar
    Writer
  • chap_listContents
  • likeADD