Ánh trăng lạnh, ảm đạm trong một ngày hè oi bức tại vùng nông thôn của một tỉnh đồng bằng Bắc bộ khiến ai cũng lạnh gáy.
12 giờ đêm, bỗng một tiếng thét lớn từ sau nhà thờ họ Đặng, sau đó là tiếng hô hoán của đám người quanh xóm chạy tới.
- Có chuyện gì thế?
Ông trưởng thôn chạy tới gần đám người đang xúm đông xúm đỏ lại một chỗ, gấp gáp hỏi vọng vào. Mọi người liền dạt sang hai bên cho trưởng thôn đi tới.
Một người phụ nữ đang treo lủng lẳng trên cây khế cạnh bờ ao. Trong ánh trăng thấp thoáng rọi tới, người phụ nữ tuổi ngoài 40, đôi mắt trắng dã, gương mặt và cơ thể đã tím tái. Ông trưởng thôn tới gần, sờ vào tay bà ta đã lạnh ngắt không còn một chút sự sống. Thông thường người chết vì treo cổ, phía dưới phải có một thứ gì đó để họ kê đứng lên, đằng này khắp xung quanh không hề có lấy một hàng gạch, ghế hay cái gì đại loại như vậy.
- Chẳng lẽ bị hại chết?
Nghe tới đây, xung quanh mọi người xôn xao bàn tán về câu nói của trưởng thôn. Hầu hết bọn họ không hề nghĩ tới người phụ nữ này chết do người giết hại, mà chết do một thế lực đáng sợ nào đó ở sau nhà thờ họ Đặng này gây ra thời gian gần đây.
Sau nhà thờ họ Đặng đã có tới bốn vụ án chết người, trong vòng có ba năm. Tất cả đều là những cái chết vô cùng kỳ bí. Người dân ai cũng sợ hãi, lùi lại vài bước, đôi mắt bắt đầu ánh lên những tia sợ hãi khi nhìn vào người đàn bà, lưỡi đang thè dài ra, với cơ thể tím tái kia.
Một bầu không khí ảm đạm ngày càng lớn dần trong khu làng quê, với nhiều những câu chuyện được truyền tai nhau khuất dưới bụi tre làng.
Những vụ chết người này bắt đầu từ khi một cô gái điên trong thôn bị mất tích. Sự văn minh của mọi người biến mất, họ liền tin tưởng người đó đã bị giết ở một nơi nào đó, giờ đây hồn ma của cô ta trở về trả thù.
---------------------------
- Cha bố tổ chúng mày!... Bố tổ nhà mày… Bố tổ mày!
Sau bao năm đi du học xa nhà, vừa về tới cổng, điều mà tôi nhớ nhất là tiếng chửi đổng suốt ngày của dì Hòa ngay sát nhà. Trước đây, nhà tôi và nhà dì Hòa được ngăn cách bằng một giậu mồng tơi rậm rì, cao một mét, mẹ và bà Đông – mẹ dì Hòa thường hay cho nhau bát canh cua đồng, hay vay nhau chút muối trắng.
Giờ nông thôn mới đã thay đổi, nhà nào cùng xây một cái bờ tường bằng xi măng cao hai mét, kín cổng cao tường, có khi cả ngày không nhìn thấy mặt nhau.
Vậy mà hôm nay tôi không còn nghe giọng của dì, thấy làm lạ vô cùng. Thường dì hay bị tụi trẻ con trong làng tới trêu chọc, dì chửi nhiều nên thành thói quen. Cái dáng vẻ gầy gò, nhỏ thó, đen thùi lùi và cái điên điên khùng khùng của dì làm gợi nhớ trong tôi nhiều nhất ở cái xóm nhỏ này.
- Con chào bà!
Bà Đông từ cổng bước ra, lưng còng, tóc bạc gần hết đầu, chỉ còn lưa thưa vài sợi đen. Bà nhìn thấy tôi đi tới, dường như mắt đã mờ nên không nhận ra.
- Đứa nào đấy?
- Dạ cháu là Dung đây! Bà không nhận ra ạ?
Tôi tới gần hơn, sát mặt bà để bà dễ nhìn hơn. Bà Đông đưa đôi tay nhăn nheo, xương xẩu, đầy vết đồi mồi ra phía trước, chạm vào tay tôi lạnh ngắt.
- Cha bố tổ con Dung đấy à? Lâu quá mày không về, làm bà không nhận ra.
Ở cái vùng quê này, các bà thường hay nói những câu chửi thề trước tên của bọn trẻ nên tôi thấy khá bình thường, không còn xa lạ gì. Tôi cười, nắm lấy tay bà nói:
- Bà dạo này có khỏe không? Dì Hòa đâu sao cháu không thấy vậy?
Bất giác bà hơi nhướn cái lưng còng lên, nhìn tôi, ánh mắt đã đục ngầu đầy mộng mắt đượm buồn nói:
- Dì mày mất tích ba năm nay rồi! Ba năm rồi không một ai nhìn thấy, công an cũng không tìm ra.
Tôi ngỡ ngàng, cơ thể khựng lại, bồi hồi nhớ lại chuyện trong quá khứ. Từ khi tôi học cấp 2 đã thấy dì khùng điên rồi, tôi cũng hay cùng bọn trẻ trong xóm trêu đùa dì, rồi bị dì cầm gạch ném và chửi. Cho tới khi học cấp 3, tôi dần hiểu chuyện và không hùa theo đám bạn chọc dì nữa. Đôi khi thấy đám trẻ con cầm cành tre thọc vào người dì, tôi còn phùng má trợn mắt chửi thay dì. Thực sự mong là dì còn sống để quay trở về.
Bỗng từ phía cổng nhà tôi, tiếng mẹ vọng tới có phần phấn khởi, lại có phần vội vàng, có lẽ mẹ đã nhận ra tôi ở ngoài này, lâu quá không được gặp nên cảm xúc lẫn lộn như vậy.
- Con Dung đã về tới rồi đó à? Sao không vào nhà đi con.
Mẹ tới nơi thì thấy bà Đông liền chào lớn, tại bà Đông già nên tai cũng có phần nghễnh ngãng, mẹ và mọi người xung quanh hay phải nói to bà mới nghe rõ.
- Bà Đông đó ạ!
- Ừ, con Dung mới ngày nào còn bé tí tẹo, tắm chuồng ngoài sân giếng, giờ đã thành thiếu nữ sắp lấy chồng rồi ấy nhỉ ?