Chương 2

1879 Words
- Thằng Đức bê hộ anh chồng đồ ra đằng này với Tiếng cái Tuấn gọi thằng Đức vang vọng từ sảnh chính vào trong, Đức nghe thấy cũng nhanh nhảu vội chuyển từng chiếc thùng to sụ chứa đầy là đồ diễn tới sảnh. Cả đoàn tấp nập người ra người vào không ngớt, mỗi người phụ trách một công việc không ai để ý đến ai. Tôi cũng đã sớm quen thuộc và không còn lạ với những “chuyến du lịch” có sắp đặt từ trước thậm chí là cả bất chợt để đi góp tiếng hát khắp mọi miền Nam Bắc này nữa. Nhưng Linh thì khác, vì cái Linh em ấy là người mới, ngẫu nhiên nó chẳng biết gì cả. Thành ra con bé chỉ có thể đứng nép một góc lúng túng nhìn mọi người ra vào làm việc của mình mà tay thì liên tục gãi gãi đầu ngại ngùng không biết nên làm gì. Dù gì đây cũng là chuyến lưu diễn đầu tiên của con bé, mà cái gì là đầu tiên thì đều lạ cả. - Linh ơi, ra giúp chị bê thùng đồ này với Từ xa chị Mai bên tổ dựng sân khấu gọi vọng vào trong, cái Linh nghe thấy gọi tên mình liền theo bản năng quay đầu lại. Biết có việc được giao con bé vui vẻ lắm, chạy liền qua chỗ chị Mai, nó bảo chị đi ra chỗ khác làm việc khác đi rồi để cái thùng đấy nó làm cho. Chắc do vui quá vì có công ăn chuyện làm mà cái Linh quên mất là nó nhỏ người thì phải. Linh nó chắc cũng chỉ cao một mét bốn tám nặng bốn mươi cân thôi sao bê nổi cái thùng đấy chứ, thành ra đứng loay hoay mãi cả tiếng đồng hồ cũng không thể bê được. Anh Khôi có lẽ cũng để ý được Linh đang loay hoay không biết nên làm gì, anh giao lại cái thùng chất đầy là đồ ăn dự trữ đưa cho thằng Tèo bảo vệ. Xong xuôi rồi thì anh mau chóng chạy qua chỗ Linh, nhìn Linh cố xoay sở với cái thùng to sù sụ mà anh đột nhiên thấy buồn cười. Anh mới nép gần lại vỗ nhẹ đầu con bé tỏ vẻ yêu chiều lắm, cái Linh vừa quay đầu lại là anh bảo nó nó đứng sang một bên để anh làm cho liền, như chỉ sợ để thêm một lúc nữa là cả đoàn không làm gì nổi. Linh nó thấy anh đến gần, nó ngại, hai tay nó đẩy thùng đồ lại gần anh còn mặt thì cúi thấp xuống không ngẩng lên nổi vì ngượng ngùng. Anh Khôi thấy nó vậy cũng không ép nó, anh kéo lại thùng đồ gần về phía mình, nhưng tay thì chẳng may động phải tay con bé, tay anh Khôi đặt lên trên mu bàn tay cái Linh. Nó thì bất ngờ, anh thì cũng chẳng có gì cả, vuốt nhẹ bàn tay nó một chút thay cho lời nhắc nhở nó bỏ ra. Nó thì vì bất ngờ lại ngại nên không hiểu ý, cả hai bất động một hồi lâu cái Linh mới tỉnh. Nó rút vội tay ra, quay mặt đi đầy xấu hổ, thật là nó ngại muốn chết đi được, không biết phải làm như thế nào. Nó chỉ đành cười lấy lệ, quay lại nhìn anh rồi cúi đầu thật thấp, cất lời. - Em….em xin lỗi, là em không biết giữ ý. Anh cầm thùng đồ đi đi ạ, em cảm ơn anh. Anh Khôi thấy nó như vậy thì cũng chỉ biết lắc đầu, anh thì chắc chắn tất nhiên không ngại như nó, anh làm việc ở nhà hát bao nhiêu lâu cũng phải gần 7-8 năm, cũng gặp không ít người, hợp tác với qua bao nhiêu những lễ tiệc ở khắp tỉnh Bà Rịa. Anh đã chẳng còn lạ với những động chạm vô tình hữu ý từ nhiều người khác nhau khi làm việc. Nhưng hầu như họ đều có chủ đích hoặc không thì là vô tình cũng chẳng để tâm hay xin lỗi ngại ngùng như bé Linh. Bắt gặp thấy dáng vẻ này của con bé, anh có chút cảm thấy dễ thương, anh vén nhẹ mái tóc đã rũ rượi xuống của nó che hẳn toàn bộ khuôn mặt đã đỏ lừ lên vì ngượng. Anh nhìn nó cũng không biết phải nói như thế nào, chỉ đành bê thùng đồ lên dặn con bé. - Linh ra đằng kia ngồi nghỉ uống nước chè đi, hoặc là chuẩn bị đồ đầy đủ lát còn lên đò. Em lên đó rồi là không còn quay lại lấy đồ được đâu. Công việc các thứ ở đây để anh với mọi người lo cho, bé Linh nhỏ con thế này em không làm được đâu. Cứ cố giữ giọng làm thế nào để hát hay nhất cho anh nghe là được có biết chưa? Cái Linh nghe thấy anh Khôi gọi mình là bé thì mặt đã đỏ lại càng đỏ lên nhiều hơn, con bé chỉ biết gật gật đầu rồi liền lẩn đi chỗ khác. Nó chạy ra ngoài vào chỗ để đồ, tìm trong cái túi mây đựng quần áo với vài tấm vải, thêm mấy cái bánh gai đi đường ăn. Con bé lần mò trong ngăn túi sau tìm ra được cái khăn mùi soa của anh Khôi mà quên chưa trả lại ngày hôm qua. Cầm lấy chiếc khăn lên, cái Linh còn lén ngửi mùi hoa nhài còn vương trên mép có chút nhàu của vải, tay xoa xoa chiếc khăn khẽ kéo nhẹ khoé môi. Con bé nở một nụ cười mỉm không biết vì gì, rồi lại giật mình phát hiện mình đang không đúng lắm. Nó gấp lại chiếc khăn, nhét lại vào trong túi áo bà ba, đi ra ngoài, cầm hết đồ bước ra sảnh thì mọi người cũng đã xong hết. Tôi thấy nó bước ra thì vẫy vẫy nó lại, bảo nó đứng đây xếp hàng đi ra đò cùng mình. Nó cũng chạy vội về phía tôi, tay còn xách hộ vài đồ tôi để quên nữa. - Cảm ơn Linh nhé, em đứng vào đây ra đằng trước chị này khéo tí nữa lại lạc đoàn. Nó cũng nghe lời nhanh nhảu đứng ra đằng trước tôi, mặt nó vẫn còn chưa hết đỏ lừ ngại ngùng. Còn anh Khôi thì đi đầu đoàn, từ nãy đến giờ anh Khôi cứ cười cười mãi, thật ra thì lúc đấy tôi nhìn cũng hiểu cả, nguồn cơn chớm nở của một chuyện tình lại bắt nguồn từ một thùng đồ nặng trịch và một cái khăn mùi soa hương nhài, cũng lạ nhỉ? Hồi đấy cái Linh còn chỉ mới 17 tuổi nữa, anh Khôi càng dễ bẫy nó theo cách anh muốn, hoặc đơn giản là những hành động anh làm đều không có mục đích gì và đều là vô tình. Tôi chỉ là người ngoài của câu chuyện tình yêu ấy, tôi cũng không thể nào biết rõ hết được, tôi chỉ biết hôm đấy cả hai trước khi xuất phát đi ra bến đò sang Huế đều đã cười rất tươi, rất vui vẻ. Mặt trời như quả cầu lửa đỏ rực dần lên cao qua đỉnh đầu, mỗi lần như vậy là chúng tôi biết đã đến giờ khởi hành, cả đoàn mau chóng theo lời chỉ dẫn của anh Huy mà đi ra bến. Giờ đang là mùa gặt, chỉ khoảng sáu giờ sáng thôi các bà các cô các bác đã ra đồng làm việc rất đông đúc rồi. Chúng tôi đi ngang qua mấy cái ao và vài cánh đồng lúa chín ngả vàng đều bắt gặp không ít những người làm nông nuôi cá đang nai lưng cày cuốc với cái nón rách trên đầu và miếng vải che nắng giản dị đơn sơ. Dù bận bịu tối mặt là thế nhưng mỗi khi thấy chúng tôi đi ngang qua họ vẫn ngẩng đầu lên vẫy tay chào với nụ cười thường trực trên môi. Ngay từ lúc đấy tôi cũng biết là mình yêu cái xóm nhỏ này biết bao, tuy cái làng chỉ bé tí được một chút chẳng đáng là bao. Mỗi người mỗi nhà cũng chỉ đủ được một thửa ruộng nhỏ với một căn nhà lợp mái rơm còn không cả đủ sống nhưng vẫn luôn tình cảm vui vẻ. Làng chúng tôi nghèo tiền nghèo của nhưng cái chí cái tình lại chẳng nghèo chút nào cả. Vậy nên mỗi lần đi ra bến đò mà đi xa như thế này tôi đều nhớ làng nhớ xóm hết. Đoàn chúng tôi cũng vậy, thấy ai chào là chúng tôi niềm nở chào lại ngay, xóm này ít ai là lạ ai lắm, hầu như đều quen thân với thương nhau hết. Cái Linh vừa đi vừa nhìn coi bộ vui vẻ lắm, thấy u nó đang gặt, cũng vội vã hét lên. - U Dần ơi u Dần, giờ con đi diễn, ra tận Huế lận đó. U cố gắng cày gặt nhé bao giờ xong con về con giúp u cày, u không có con nhớ chăm sóc bản thân đàng hoàng đấy nhá. Nó để hai tay lên hai bên khoé miệng hét lớn với u nó, u nó cũng nghe thấy. Vội cởi nón ra giơ lên vẫy vẫy chào nó, u nó bảo biết rồi, còn dặn nó nhất định phải ăn hết chỗ khoai sắn u nó luộc để trong bọc lá chuối. Nó cũng hét lại bảo biết rồi dặn dò một lúc mới lại đi tiếp, đường tới đò càng gần thì cũng đồng nghĩa là đã xa làng một đoạn khá dài. Cái Linh nó cố nén nước mắt rưng rức trong cổ họng, đây là lần đầu nó xa nhà nên nó còn bỡ ngỡ lắm, đi chưa được bao lâu con bé đã nhớ nhà rồi. Nhìn nó lúc đấy tôi cũng nhớ đến ngày đầu tiên tôi xa gia đình đi diễn, cảm giác trống trải lạ lùng lắm. Tôi vỗ về an ủi nó một lúc thì cũng tới bến, tôi dẫn nó lên đò, anh Khôi đi đằng trước quay đầu lại thấy nó khóc anh cũng rối chứ, chạy lại chỗ nó ngay. Anh hỏi tôi sao Linh khóc rồi nghe được câu trả lời thì cũng hiểu được phần nào, anh dỗ Linh không khóc nữa rồi cởi bỏ cái nón vành tròn của mình ra đặt lên đầu con bé, còn đẩy đẩy đầu nón xuống hộ cái Linh để che đôi mắt cho nó. Anh dẫn nó xuống cuối ngồi cạnh anh, chuyến đi đò cũng mất vài tiếng khá dài, cái Linh nó là người mới nên chắc hẳn cần ai đủ vững chãi chỉ dẫn và ở cạnh con bé. Tôi cũng hiểu nên chỉ mỉm cười rồi về chỗ của mình, nhớ lại ngày ấy đúng là thật tốt biết bao.
Free reading for new users
Scan code to download app
Facebookexpand_more
  • author-avatar
    Writer
  • chap_listContents
  • likeADD