Chương 4: Bà Tám

2287 Words
Quán tạp hóa của bà Tám trông như ngôi nhà bánh kẹo của mụ phù thủy trong truyện Hasel và Gretel vậy. Mặc dù không được làm bằng bột mì và đường nhưng khắp không gian ngập tràn cơ man đồ ăn vặt và đủ loại bánh kẹo sặc sỡ sắc màu. Nắng sớm mai lùa vào phòng, lượn lờ trên những viên kẹo bọc bằng giấy bóng khiến chúng tỏa sáng lấp lánh hệt như những viên ngọc vậy. Nơi đây chính là thiên đường kì diệu của đám con nít trong làng. Trái ngược với vẻ đẹp thơ mộng của quán tạp hóa, bà chủ của nó, tức bà Tám lại là một người phụ nữ mập mạp và khá nhiều chuyện, trên trời dưới đất chuyện gì bà cũng biết hết. Dù thân hình không được thon gọn cho lắm nhưng bà được trời phú cho làn da căng mọng trắng ngần ở cái tuổi 50 khiến khối chị em phải ghen tị với làn da của bà. Bà đã từng trải qua một cuộc hôn nhân không mấy hạnh phúc với người chồng trước, một cuộc hôn nhân mà dù cho có dùng không biết bao nhiêu nước mắt, tủi nhục và phẫn nộ cũng không tả xiết nỗi lòng của bà. Cuộc sống nghèo khó nên bà phải lăn lộn từ nhỏ. Bố bà đi bộ đội rồi hy sinh năm bà mới được 1 tuổi. Năm 2 tuổi, bà rời xa vòng tay mẹ đến ở với bà nội trên thành phố. Từ lúc 4 tuổi bà đã phải rong ruổi trên khắp các nẻo đường để bán xôi cùng dì. Những khi không đi học, bà theo cậu đi bốc vác thuê. Giữa cái trời nắng như thiêu như đốt ấy mà trông bà như vừa chạy mưa về vậy. Qua bao năm dành dụm, bà mở một tiệm may nhỏ kiếm sống qua ngày. Ngày ngày vùi đầu vào cái máy khâu trong căn nhà trọ xập xệ khiến bà ít có cơ hội được đi đây đi đó để gặp gỡ và làm quen nhiều người. Bạn bè giới thiệu cho bà ông "xếp (xó)" gần 40 rồi mà vẫn còn độc thân. Dù lên chức giám đốc nhưng do con người ông thanh liêm chính trực lại dễ tin người nên tài sản của ông không nhiều, lại thương em nên bao nhiêu tiền của ông dồn để xây nhà, mua đất, nuôi em, nuôi cháu hết. Vậy nên sau khi kết hôn cũng không lo toan được gì nhiều cho vợ con mà vẫn phải ở trong căn nhà mái ngói ba gian từ thời ông bà để lại. Còn bà Tám thì thấy ông cũng đường hoàng tử tế và cũng vì bà đã gần 30 rồi nên tặc lưỡi đồng ý lấy ông mà nào ngờ rằng cuộc sống của bà đã vất vả nay lại thêm khốn khổ từ đây. Bà làm dâu một gia đình có truyền thống hiếu học, ai ai cũng thành tài. Người làm giám đốc, người làm công an, nhà nào cũng giàu nứt đố đổ vách mà mỗi khi về làng là lại quyên góp tu sửa rất nhiều, ai ai nhìn vào cũng ngưỡng mộ một gia đình tài cao và đức độ như vậy. Nhưng “ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Một gia đình trọng dụng học thức như vậy thì làm sao vừa mắt một cô con dâu chỉ mới tốt nghiệp cấp 3 được. Họ khinh bà là người thất học lại nghèo hèn. Một gia đình gia giáo, ấy vậy mà em chồng ở xa về chơi cũng chửi chị chem chẻm, lại còn dọa đuổi chị ra đường để cưới vợ khác cho anh, cũng chẳng cần xem xét vai vế gì xất, cứ “mày” - “tao” mà xưng. Ngay cả em họ cũng chỉ ngón trỏ vào mặt chị mà chửi là "đồ không ra gì" Ông Hiển, chồng bà, con trai cưng của mẹ, cháu đích tôn của dòng họ, là một gã gia trưởng và cổ hủ, hơn nữa còn quá nóng tính và hà tiện. Chính cái tính ấy khiến bà phải chịu nhiều điều thiệt thòi trong đời phụ nữ. Ví như chỉ cần bà trang điểm váy áo nhẹ nhàng chút thôi là ông đã khó chịu rồi, hay những sáng bà phải đi chợ, ông đưa cho bà vài đồng mà có chút tiền thừa thôi cũng phải đem về thối lại cho ông, còn đâu tiền trong nhà ông giữ hết. Ông cưới bà phần vì để có người nối dõi tông đường, phần vì bố ông đang bệnh nặng khó mà qua khỏi nên mong muốn nhìn thấy mặt con dâu trưởng. Ngay cả mẹ chồng và em chồng, thậm chí em dâu nhà chồng là những người phụ nữ cũng đối xử cay nghiệt và đay nghiến với bà - một người phụ nữ được xem như là người ngoài. Mỗi khi mẹ chồng bà thấy bà tập thể dục ngoài sân là lại chửi bà: “Mi làm đẹp để đi đánh đẫy à". Ngay cả khi bà ốm nằm liệt giường cũng bị chửi là "đồ lười nhác", “nằm thối thây thối giường”. Quá quắt hơn, bà từng nhận một cái tát từ em rể chồng, bị ông chú nghe mẹ chồng bà "tâm sự" rồi chẳng hỏi rõ ràng gì mà mắng chửi bà là “đồ mất nết, lăng loàn, hỗn láo” ngay trước mặt hai đứa con bà. Hết người này đến người kia làm khó làm dễ, khinh bỉ bà, ấy vậy mà đến người đàn ông kết tóc se tơ cùng bà lại không một câu động viên an ủi hay ra tay bảo vệ. Sinh đứa con đầu lòng là con gái, bà bị đối xử ngày một thậm tệ. Dù trong thời kì ở cữ nhưng bà phải làm việc nhà như thường, đám giỗ cũng phải dậy từ sớm để chuẩn bị nấu nướng, bận bịu tay chân không có thời gian nghỉ nên bà đành vừa địu con vừa làm việc, còn khi vào bếp khói bụi bà đành để nó nằm trên giường một mình không ai trông coi (khi ấy nhà bà còn dùng bếp trấu). Khi nó khóc đòi mẹ, bà chạy lại dỗ thì nhận được cái lườm nguýt của mẹ chồng kèm những lời bóng gió. Từ lúc sinh ra, chị Hiền tội nghiệp chưa một lần được bà nội bồng bế chứ nói gì đến thay tã. Chỉ khi thằng Bảo ra đời thì tình hình mới cải thiện được đôi chút. Để cho hai đứa con có cha có mẹ, bà cắn răng chịu đựng. Nhưng đến một ngày, giọt nước tràn ly, ông đánh bà. Ông cùng mẹ mình túm tóc bà kéo ra giữa nhà mà đánh, mà tát, mà chửi, mặc cho hai đứa con có gào khóc cỡ nào thì họ cũng không dừng lại. Chúng chạy ra níu tay bố thì bị đẩy ngã ra sàn. May có hàng xóm chạy vào can ngăn chứ không hôm ấy chắc bà chỉ còn vài cọng tóc dính trên đầu. Sau hôm đó, bà đưa ông tờ giấy ly dị, cái tờ giấy mà từ lâu bà khiến đã phải chằn chọc do dự không biết bao đêm thức trắng cùng ánh trăng trên cao kia. Ly hôn, bà không được chia một đồng bạc nào hết. Một ngày nắng nóng, bà dắt chị Hiền ra đi với hai bàn tay trắng trở về làng, về với quê hương nơi đã sinh ra bà để sinh sống, cũng là để bà có thể gần gũi và phụng dưỡng mẹ mình. Khi ấy trông bà tiều tụy, thiếu sức sống. Thân hình gầy gò, tóc tai thì xơ xác bù xù, đôi mắt lúc nào cũng sưng húp, nét mệt mỏi nhợt nhạt luôn hiện diện trên gương mặt bà khiến bao người nhìn mà thấy thương cho một kiếp hồng nhan bạc phận. Mỗi khi nằm mơ lại cảnh thằng Bảo chạy theo níu áo mẹ, khuôn mặt thơ ngây ướt đẫm nước mắt, miệng không ngừng gào thét "Mẹ ơi đừng bỏ con!" "Chị ơi, bảo mẹ cho em đi với!" khiến bà tỉnh giấc rồi ngồi khóc cả đêm. Đã từng có nhiều gã đàn ông ngỏ ý muốn đi bước nữa với bà nhưng bà từ chối thẳng. “Rặt một lũ đàn ông!”- Bà hay nói thế mỗi khi thấy lão Hai say ngoắc cần câu nằm vật vờ trước cửa đình. Chị Hiền thương mẹ lắm. Chị ngoan ngoãn, học giỏi, nay chị đã là sinh viên năm 3 ngành khoa học máy tính của đại học quốc gia Hà Nội. Ngày nhận được tin chị đạt được ước mơ đã ấp ủ bấy lâu, bà Tám vui mừng khôn xiết. Ngày đó bà đã khóc rất nhiều, những giọt nước mắt hạnh phúc không ngừng tuôn rơi. Giờ đây, cuộc sống của bà đã tươi sáng hơn rất nhiều. Ban ngày kinh doanh và ngồi lê buôn chuyện, ban đêm về nhà bầu bạn với mẹ già. Từng miếng kem tan chảy ngay đầu lưỡi, ngòn ngọt thanh thanh lại mát lạnh sảng khoái khiến hai đứa nó quên mất rằng chúng từng nóng muốn ngộ người lên như thế nào. - Này, tối nay mấy lão ấy đổi địa điểm đấy. Bên cạnh kinh doanh quán tạp hóa, bà còn làm nghề tay trái là “gián điệp hai mang”. Đâu ai ngờ được một quán tạp hóa nhỏ đẹp như chốn thần tiên ấy lại là cơ quan đầu não của đường dây “tổ chức đánh bạc bất hợp pháp cấp ao làng” cơ chứ. Với sự khéo léo và tài buôn chuyện, bà Tám dò la thông tin từ phía các bà vợ để kịp thời lên kế hoạch ứng chiến, đồng thời báo tin cho hai đứa nó để chúng có cơ hội “tống tiền” hai ông bố ở nhà. Chúng có rủng rỉnh tiền tiêu vặt thì quán bà mới tăng lợi nhuận được. Mặc dù không mấy thích thú gì khi phải tiếp tay cho giặc ấy thế nhưng bà được chia hoa hồng mà, miễn cưỡng làm chút cũng không sao. Hơn thế nữa bà còn có cái mà trao đổi với bọn Phong Thùy. Bà cho chúng nó thông tin, đổi lại chúng nó giúp bà marketing. Trong làng có tới ba quán tạp hóa lớn nhỏ, không sớm thì muộn cũng sẽ đe dọa tới công việc kinh doanh của bà. - Sao nãy lão Hai bảo là chỗ cũ mà?? Thùy ngơ ngác hỏi lại. - “Chỗ cũ” là ám chỉ chỗ mới đấy. Chứ mày nghĩ lão ngu đến mức nói toẹt ra cho chúng mày à. - Vậy “chỗ cũ” là chỗ nào vậy ạ? Phong vừa mút cây gỗ còn dính chút kem vừa hỏi. - Chúng bay biết căn nhà nhỏ ngoài đồng không? Nghe đến đây Thùy có chút sợ hãi, sống lưng tự nhiên cảm thấy hơi rờn rợn: - Chỗ nhà ma đó á? Cánh đồng thơ mộng là thế, cánh đồng vàng óng rộng mênh mông thẳng cánh cò bay nên thơ là thế, ấy thế mà lại bị cái bãi tha ma nằm ở giữa trông thật khiến người ta cụt hứng mà. Cách một đoạn lại có con bù nhìn rơm rách tả tơi ủ rũ đung đưa theo gió, cái cây xà cừ to lớn rậm rạp không lọt nổi một tia nắng khiến người ta cảm thấy bất an khi ngước lên nhìn, cây đa có phần xơ xác rủ những cụm rễ xuống trông như mái tóc bạc của mụ phù thủy mũi xanh vậy, bên cạnh đó còn có con đê điều nước vào đồng ruộng mà mỗi năm lại lấy đi vài mạng người. Đêm đêm không một bóng đèn, chỉ có ánh trăng trên cao tỏa ra ánh sáng huyền bí lúc ẩn lúc hiện sau đám mây tạo nên một bầu không khí thật quỷ dị. Trách gì bây giờ người ta không còn “đi cấy sáng trăng” nữa. - Làm quái gì có ma. Nếu có thì cũng bị cho mấy lão dọa cho chui lại vào đất hết rồi. Thấy lão Hai đạp xe đi ban nãy không? Lão không phải đi mua rượu đâu, lão đến đó lau dọn chuẩn bị cho tối nay đấy. Hừ, việc ở nhà thì chẳng lo, cả ngày cờ bạc rượu chè. Chỉ tổ làm khổ vợ khổ con. Con Thùy sau mà lấy chồng thì lựa cho kĩ, không lấy phải mấy cái thằng đó mà hỏng cả cuộc đời đấy. Còn thằng Phong, mày đừng có mà theo chân bố mày mà lao vào mấy cái thứ vô bổ ấy. - Dét, ma đam. Lời đáp của hai đứa khiến bà nhoẻn miệng cười hài lòng, lộ ra hàm răng trắng bóc. Bà Tám lấy ra hai cái kẹo mút Chupa chup, một cái vị nho, một cái vị coca cola, là vị ưa thích của hai đứa nó. - Tao cho chúng mày này, dạo này quán tao làm ăn khá tốt. Sau khi hai đứa nó rời đi, bà Tám cứ cảm thấy trong lòng bứt rứt khó chịu, dường như bà đã quên thứ gì đó nhưng bà vẫn chưa nhớ ra đó là thứ gì.
Free reading for new users
Scan code to download app
Facebookexpand_more
  • author-avatar
    Writer
  • chap_listContents
  • likeADD