Chương 4: Rước đèn về khuya

2083 Words
Cả xóm một tuần liền không có một tiếng nói cười, cảm giác lạnh lẽo như không còn một ai sinh sống. Buổi tối thỉnh thoảng lại nghe tiếng khóc bên nhà bà Đợt vang vọng. Rồi thời gian cũng xóa nhờ đi mọi ký ức không vui vẻ. Có lẽ thời gian có thể giúp ta quên đi những thứ đau buồn, nhưng nó cũng là thứ tích tụ trong tôi nhiều nỗi sợ hãi về cái ngõ quỷ quái này. Bố từ một người không tin ma tà, giờ đây cũng bắt đầu có một chút sợ hãi. Trước bố thường đi làm về muộn, nhưng giờ chỉ mau mau chóng chóng làm việc xong sớm rồi về trước khi trời tắt nắng. Hôm nay trung thu, mẹ nấu cơm từ sớm cho tôi đi rước đèn. Xã tôi đến trung thu thường nhộn nhịp rất vui. Có tất cả 9 xóm, ba làng gộp thành một xã. Mỗi xóm sẽ chuẩn bị một cái đèn thật to, rước từ đầu xã đến cuối xã, cuối cùng xếp hàng dài ở ủy ban để chấm điểm. Năm ngoái, tôi còn ở xóm hai, đi cổ vũ cho xóm hai, năm nay tôi đã trở thành người xóm một rồi. Nhớ năm ngoái, xóm một có cái đèn hình ông sao to gấp đôi người lớn nhưng vô cùng xấu, không đẹp bằng xóm hai với hình đầu con lân nhiều màu sắc lấp lánh đã được giải nhất. Tôi mong là xóm một năm nay sẽ đẹp hơn một chút để tôi không bị cậu bêu xấu. 6 giờ nhà tôi đã ăn xong, chú Kiên cũng gọi tôi ngoài cổng rủ đi rước đèn. “Muội ơi! Đi thôi!” Tiếng chú Kiên gọi ông ổng làm tôi cũng vội vàng mà chạy ra. “Con đi nhớ về sớm đấy!” Bố lo lắng nhìn tôi và đưa cho tôi một chiếc đèn pin nhỏ xíu, kêu tôi cất vào túi quần phòng khi về trời tối không thấy đường. Hai chú cháu tung tăng ra đường lớn ngoài đầu xóm. Tôi choáng ngợp với hình một con cá khổng lồ với những chiếc vảy nhiều màu sắc, tự hào quá. Tôi cười lớn vỗ vai chú Kiên. “Chú có thấy năm nay cháu về, đèn xóm mình khác hẳn không? Đẹp lộng lẫy luôn ấy.” Tôi cười khoái chí mở to mắt hấp háy nhìn vào chiếc đèn cá. Chú Kiên đút tay túi quần ghểnh mặt lên nhìn đèn không thèm nhìn tôi. “Mày nghĩ mày quyền lực đến thế sao? Cứ nằm mơ giữa ban ngày đi con.” Tôi nghe chú nói ý tứ khiêu khích, nhưng thôi kệ chú, vì tôi biết là chú nói đúng, cãi lại làm gì cho dở mình ra. Trẻ con trong các ngõ của xóm cũng đổ đầy ra đường cái, con đường liên xã lớn nhất đi qua xóm tôi. Mấy đứa cùng lớp tôi cũng có mặt ở đây, cả bọn nhao nhao lên sờ mó. Nhưng bị một bác đang trông coi đèn xua tay và mắng té tát. Mái tóc hoa râm, gương mặt đen đúa của bác ấy nhăn lại hiện lên sự cáu kỉnh, nhìn đến đáng sợ. “Mấy đứa xê ra không lại chọc thủng đèn của xóm, lát lấy gì mà rước, mà chấm điểm.” Nhưng mấy thằng con trai không biết sợ là gì, bọn nó vẫn mon men lại gần, xin được khiêng đèn. Chắc chắn là bị bác ấy từ chối rồi, để bọn nó khiêng có mà hỏng cả đèn à. Đang cười nói vui vẻ cùng chú Kiên và lũ bạn, tôi cảm giác lành lạnh sau gáy, nhìn lại không thấy gì, chỉ thấy một khoảng không đen kịt sau lưng. Tôi đoán là tôi chơi nhiều toát mồ hôi nên gió thổi vào mới bị lạnh như vậy. Lại tiếp tục vui đùa, nhưng cái cảm giác như có ai đó đằng sau lưng, thỉnh thoảng tôi quay lại nhìn. Dường như chú Kiến thấy, nên hỏi tôi, “mày sao vậy?” Tôi không biết trả lời thế nào, chỉ cười bảo chú, tôi có giác quan thứ sáu nên chỉ ảo ma chút thôi. Chú cười kêu tôi đúng là cái con nhạy cảm với những thứ linh tinh, ở giữa xóm, với bao nhiêu người như vậy làm gì có ma mà sợ. Nghe chú nhắc tới ma cảm giác lành lạnh kia càng nhiều hơn, tôi rùng mình và có chút sợ hãi. Tôi len lỏi vào giữa đám đông, không dám đứng ngoài rìa nữa, cảm giác lạnh gáy đó dường như đã biến mất. Nhưng bất giác tôi thấy một ánh mắt từ phía ngoài đám đông đang nhìn tôi một cách lạnh lùng. Tôi tự nhủ, có lẽ mình đã quá sợ hãi thời gian qua nên bị ám ảnh. Đúng 8 giờ, cả xóm tôi xuất phát đi, bắt đầu đi hết con đường liên xã ở làng tôi, chuyển sang hai làng bên cạnh. Hai bên đường người lớn trẻ em nhộn nhịp đang chờ đến gần nhà thì đi cùng theo đoàn rước đèn. Không chỉ những chiếc đèn được bốn người lớn khiêng mà các bạn nhỏ, tay nắm những đèn ông sao, đèn điện tử nhỏ phát ra bài hát rước đèn trung thu. Tôi 12 tuổi rồi nên không chơi mấy cái đèn trẻ con đó nữa, thực ra tôi nghỉ chơi mấy cái đèn đó mới từ năm ngoái thôi. Năm nay bạn bè trong lớp bảo nhau là người lớn rồi không chơi mấy trò con nít nên tôi cũng không dám bảo bố mẹ mua. Mẹ gợi ý tôi cũng không muốn, mang đi để hội bạn cười vào mặt cho. Đi từ nhà tôi sang làng bên cạnh phải đi qua một cái miếu hoang, nghe nói trước đây thờ một vị tướng nào đó thời nhà Lê, nhưng sau nhà Nguyễn lên làm vua, vị tướng đó đã không còn được cúng tế. Cái miếu đó cũng bị người ta phá và trở lên tan hoang. Không hiểu do bị hắt hủi nên hồn ma của ông ta về phá hay do nơi này ít người qua lại nên mỗi năm sẽ có một người đến đó thắt cổ tự tử. Cả xã xôn xao bàn tán, từ đó càng không ai dám bén mảng tới gần, cũng không dám phá phách khu miếu hoang đó nữa. Tôi đi qua đó thường giả vờ như không nhìn thấy gì, ngó lơ đi chỗ khác, vì tôi là đứa sợ ma. Lỡ mà nhìn vào đó, đêm lại về nghĩ ngợi và không dám ngủ một mình. Đi bộ vòng đi vòng lại mấy cây số khắp xã, chân tôi mỏi nhừ, mồ hôi chảy đầm đìa, cuối cùng cũng về ủy ban. Cả cái sân lớn, mới ban ngày vắng vẻ không một bóng người, giờ đây chật kín. Thỉnh thoảng một góc sân lại có một cô bán nước mía, bán kẹo bông, xoài dầm, kem ốc quế. Tôi được mẹ cho 20 nghìn, rủ chú Kiên đi ăn kem. Hai chú cháu hai que hết có 12 nghìn nhưng vẫn có chút thòm thèm. Bà Bẩu mẹ của chú Kiên sống một mình, người đau yếu liên miên nên việc đồng áng cũng không thu được bao nhiêu. Thường đi chơi như vậy chú Kiên không bao giờ được cho tiền, tôi sẽ phải bao chú. “Cháu còn 8 nghìn, không đủ hai cái, hay mình ra mua gói xoài dầm?” Tôi gợi ý xem ý chú thế nào. “Ừ cũng được.” Chú gật đầu đồng ý liền. Vậy là hai chú cháu chạy đi mua gói xoài dầm ở cổng ủy ban. Bà bán xoài dầm ngồi ngay cạnh gốc đa. Cây đa này có từ rất lâu rồi, thấy mẹ bảo có từ trước cả khi mẹ được sinh ra. Cây mọc rễ tua tủa xuống đất, bữa trước xã mở rộng đường nhưng không dám chặt cây, vì nghe nói cây đa này rất thiêng nên giờ nó đứng sừng sững gần ngay giữa đường. Ngay cả rễ của nó, mọi người cũng không dám cắt mà chỉ buộc lên thành các búi lớn búi nhỏ treo lơ lửng trên đầu. “Muội ơi về đi, cũng muộn rồi đó!” Giọng chú Kiên có chút lo lắng khi nhìn về phía ngõ nhỏ nhà chúng tôi. “Vẫn còn sớm mà chú, đông người thế này sợ gì chứ!” Tôi nhìn thấy xung quanh mình, người ra vào nườm nượp nên càng không biết sợ hãi. Tôi kéo chú quay lại cuộc thi chấm điểm xem đèn xóm nào giải nhất. Vừa vào đến nơi thì cũng là lúc thông báo kết quả cuộc thi, tôi bắc mấy viên gạch lên để nhìn cho rõ phía trong cuộc thi vì không len được vào bên trong. Chú Kiên thì leo lên một cái cây gần đó. “Xin chúc mừng xóm bốn đã thắng trong cuộc thi rước đèn.” Tiếng ông chủ tịch xã vừa dứt lời là tiếng nhạc bài rước đèn trung thu vang lên. Tôi và chú Kiên tiu nghỉu nhìn nhau. Tôi thấy cái đèn xóm tôi là đẹp nhất mà, đèn xóm bốn chỉ được cái to và sáng hơn chút thôi. Vừa thông báo xong kết quả, mọi người ùn ùn kéo nhau về. 11 giờ nên mọi người vội về để đi ngủ. Chưa đầy 20 phút, cả sân đầy ắp người, giờ chỉ còn lèo tèo mấy quán hàng dọn đồ. Tôi và chú Kiên cũng dắt nhau ra về. Vừa đến đầu ngõ, tự nhiên không gian xung quanh trở lên lạnh lẽo, tối thui, vắng lặng. Đâu đó còn lởn vởn một chút khói từ đâu bay đến. Tôi và chú Kiên có chút sợ hãi rợn người. “Tao đã bảo mày về sớm mà mày không nghe.” Giọng chú Kiên có chút rúng động nên cáu với tôi. “Cháu cũng đâu ngờ mọi người về nhanh như vậy.” Tôi cự cãi với chú, nhưng lòng cũng đang vô cùng lo âu, sợ hãi. Từ khi chuyển về ngõ này, tôi chưa bao giờ đi về muộn quá 7 giờ tối. Tôi lần lấy tay chú nắm chặt, mồ hôi từ tay chú ươn ướt nhưng tôi mặc kệ. Chú nắm tay tôi đi vào bóng tối. Tiếng lá tre xào xạc, tiếng ken két của thân tre cọ vào nhau càng làm tôi thêm phần hồi hộp. Một con vật xồ ra từ bụi tre làm tôi và chú thét lên kinh hãi. “Gâu gâu gâu…” Hóa ra là một con chó mực, xóm tôi làm gì có ai nuôi chó mực đâu cơ chứ. Tôi nhớ ra bố đưa cho tôi đèn pin nhét vào túi quần, liền rút ra, bấm lên, soi vào nó. Hai mắt con chó sáng quắc, hàm răng nhe ra dữ tợn, tôi kéo chú Kiên lùi lại. Dúi vào tay chú cái đèn pin, tôi cúi người nhặt một viên gạch lớn ở cạnh đường. “Oẳng oẳng…” Con chó bị tôi táng cho một cái đau điếng vào đầu chạy mất hút vào trong bụi tre, chỗ mà vừa nãy nó chui ra. “Mày đâu phải con gái, mày là con quỷ cái mới đúng.” Chú Kiên cười nói với tôi. Hai chú cháu lúc này đã bớt run, tôi vẫn cầm chắc viên gạch trong tay. Ngoài việc sợ con chó quay lại, còn có thể thủ thân nếu có thế lực nào đưa đến. Từ xa tôi đã thấy cây hương trong vườn đối diện cổng. Mảnh vải đỏ che trước lư hương vẫn bốc ra một làn khói hương nghi ngút, ánh sáng đỏ từ đó phát ra, thấp thoáng, mờ nhạt. Tôi nhớ lại cái ngày trước hôm gia đình bác Bỉnh mất, một con quỷ chui ra từ đó. Mồ hôi lạnh toát sau gáy, tôi cảm giác như ai đó đang ở phía sau. Tôi quay ngoắt nhìn lại làm chú Kiên cũng giật mình. “Cái gì thế?” Giọng chú thất thanh hỏi tôi. “Cháu tưởng sau lưng có người.”
Free reading for new users
Scan code to download app
Facebookexpand_more
  • author-avatar
    Writer
  • chap_listContents
  • likeADD