Chương 49: Kiếp tằm giăng tơ

1256 Words
Khác với Minh phi xuất thân từ nhà quan võ, hay Phạm thị từ nhà họ Phạm chức cao vọng trọng, và kể cả Kính phi xuất thân từ nhà Tri huyện, Nguyên phi lại chỉ là con của một nhà tằm. Quanh năm suốt tháng chỉ quanh quẩn nuôi đám tằm, kéo tơ, se chỉ bình thường. Nói trắng ra là bậc cùng nông nghèo hèn. Nghe Ái Vân nói, lúc Lê Long Chính vừa làm lễ phong hậu chưa bao lâu, Nguyên phi - khi ấy chỉ là một cô gái bình thường, đương trên đường đem vải lụa nhà dệt lên huyện bán kiếm chút tiền, lại được một gã vương gia nào đó vô tình bắt gặp. Thấy cô ta xinh đẹp yêu kiều nên vương gia quyết định đem về dâng lên Vua, coi như để nịnh nọt. Cô gái nhà tằm thế là thành Tài nhân, rồi qua năm, bảy năm, dần dà cũng được tấn phong thành Nguyên phi. Nhưng Nguyên phi này dường như lại rất nhạt nhòa, không hề đua tranh với đời. Nghe bảo vì cơ thể yếu nhược nên không thường ra ngoài, dù được phong tước vị cao sang nhưng lại bị thất sủng, thành ra chỉ có thể sống trong một nơi hoang tàn của hậu cung. Tôi nhìn xung quanh một lượt, đúng là hoang tàn thật, đến nỗi tôi còn ngỡ nơi này là lãnh cung âm u quỷ chước nữa kìa. Chỉ khác là không khí ở đây có phần dễ thở hơn. Cung nữ của Nguyên phi thấy tôi đến thì vội vàng vào trong báo với chủ nhân. Một lát sau liền quay trở ra dẫn tôi vào trong. Nguyên phi đã đứng đợi sẵn. “Cô đây là…?” Tôi cười mỉm: “Em là Chiêu nghi, họ Nguyễn, tên Hải Nguyệt. Chị cứ gọi Nguyệt là được rồi.” “Ra là Chiêu nghi, nghe danh đã lâu. Chỗ tôi không có gì cao sang, ngược lại còn hơi hoang tàn, lạnh lẽo, nếu Chiêu nghi không chê thì mời tự nhiên.” Tôi lắc đầu: “Dù nơi này có hơi đạm bạc, nhưng so ra vẫn ấm áp bội phần với những cung khác.” “Chiêu nghi quá lời rồi, chỗ này hoang tàn như vậy, nào dám đem so sánh với ai. Mời cô ngồi.” Đoạn, quay sang sai nàng hầu đi thay trà rồi lại mỉm cười nói với tôi: “Cô Nguyệt thông cảm cho, vì ít người ghé đến nên trong phòng không thường có trà nóng, đành nhọc cô đợi một chút vậy.” Tôi xua tay cười xuề, mà trong lòng cảm thấy nao nao. “Không sao, không sao. Xin Nguyên phi đừng bận lòng.” Tôi vén tà áo ngồi xuống ghế, tiếp tục đưa lời, “Chẳng là đã lâu vậy rồi mà không có dịp gặp mặt chị, em thân nhỏ hơn, cũng tự thấy mình chưa phải phép nên mới đến đây chào hỏi chị.” “Chiêu nghi đâu cần đa lễ làm chi. Dẫu sao tôi cũng chỉ là một kẻ thất sủng, không giúp được ai cái chi. Chiêu nghi đây không cần phải tốn công vô ích vì tôi.” Nguyên phi nói, lời lẽ rất nhẹ nhàng nhưng lại vào thẳng vấn đề, không quanh co lượn vòng như những ả khác. Điểm này có lẽ là điểm mà tôi kết nhất ở nàng ta. Đấy, gái nhà nông nó phải thế, chân chất thật thà. Cơ mà cũng vì vậy mà mới ra cái cớ sự bị thất sủng còn gì? À không, tôi quên mất, Lê Long Chính đời này chỉ yêu mỗi Phạm thị, nên dù Nguyên phi có tròn méo ra sao, hay lòng dạ đen trắng cỡ nào, thì cũng vẫn phải lâm vào cảnh thất sủng - hoặc sủng không thật dạ mà thôi. Chính Hải Nguyệt đây - một trong những kẻ ít ỏi thật sự lăn giường cùng với Lê Long Chính, mới được nạp thành phi chưa được bao lâu cũng đã bị thất sủng rồi đấy thây? Tôi thở dài, quay sang sai Ái Vân đem bộ tách trà đã chuẩn bị sẵn lên tặng. “Nghe mọi người nói Nguyên phi thích thưởng trà, sẵn lại có bộ tách quý nên em đến biếu chị, mong chị nhận cho em vui lòng.” Thật ra trong “Phận Hoàng hậu, kiếp tơ tằm”, nhân vật khiến tôi thương xót nhất - dĩ nhiên không phải Phạm thị, cũng không phải Kính phi hay Hải Nguyệt, mà chính là cái kẻ bơ vơ giữa thời cuộc rồi chấp nhận lui về sau náu mình: Nguyên phi. Bởi vì tôi muốn xây dựng một cái hậu cung với đa dạng kiểu người, đa dạng số kiếp nên nhân vật Nguyên phi này được ra đời. Sinh ra đã khổ, lớn lên lại càng khổ. Chỉ khác rằng, lúc bé là khổ tấm thân, lớn lên lại là khổ tấm lòng. Được đưa vào Hoàng cung, trở thành phi tần của Hoàng thượng, tưởng một bước lên mây nhưng thật ra là trượt chân ngã vào vũng bùn nhơ nhớp hôi tanh. Ừ, Hoàng cung, bề ngoài hào nhoáng xa hoa khiến biết bao người thèm thuồng, nhưng bên trong có khác gì cái vũng bùn đen đúa đâu? Đến máu chảy xuống còn nhìn không thấu nữa là lòng người? Nhưng trong vũng bùn, ít ra vẫn còn có đóa hoa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Đối với tôi, đóa hoa sen chính là Phạm thị, đóa hoa sen thứ hai lại chính là Nguyên phi. Cô ấy chấp nhận bị thất sủng, chấp nhận không tranh đua, chấp nhận sống đạm bạc bị kẻ cười người khinh, chỉ để đổi lấy chút yên bình nhỏ nhoi. Và cũng nhờ cái nết sống đó mà Nguyên phi mới thoát được những kẻ máu lạnh đạp lên tất cả để đoạt lấy quyền lực như Hải Nguyệt. Bởi vì đối với Hải Nguyệt, Nguyên phi chẳng khác gì một con cá đã nằm trong rọ, vô hại đến mức chẳng thèm đoái hoài lấy nửa cái. Người hầu duy nhất đã bị phái đi pha trà mới, bên cạnh Nguyên phi không còn kẻ hầu nào nữa. Cô ta nhẹ nhàng cảm ơn rồi nhờ Ái Vân đặt vào trong cái kệ gỗ gần đó. Kệ gỗ đơn sơ, chỉ có vài món đồ gọi là, thêm cả bộ tách trà tôi vừa tặng, đếm qua đếm lại cũng không được quá năm móng. Tôi nhìn kỹ vào phía trong, bất chợt thấy một khung cửi. Có vẻ nhận ra tôi tò mò, Nguyên phi cười đáp: “Tôi thân là người làng Giêng, vốn làng làm lụa tơ tằm. Đi xa lâu, nhớ nhà, mấy năm trước tôi xin Bệ hạ tìm cho mình ít giống cây dâu, đem về trồng ở khoảnh vườn đằng sau phòng để lấy lá nuôi tằm, rỗi việc lại dệt vải, thêu hoa. Đều là cái thú nhàn hạ cả.” Tôi mím môi, không biết nên tỏ vẻ gì mới phải. Than ôi cái số con tằm! “Một ngàn năm, một vạn năm Con tằm vẫn kiếp con tằm giăng tơ Ai ơi chín đợi mười chờ Chờ ai, ai đợi, ai chờ, đợi ai” (*) (*): Ca dao
Free reading for new users
Scan code to download app
Facebookexpand_more
  • author-avatar
    Writer
  • chap_listContents
  • likeADD