CHƯƠNG 3: Tìm về cội nguồn

1698 Words
Cuối năm, dịch bệnh trong thành phố đột nhiên lắng xuống, gia đình tôi lại có cơ hội về thăm quê hương một chuyến. Cứ như thường lệ, chúng tôi sẽ ra bến xe bắt một chiếc xe đò về thẳng Long An để ăn Tết cùng ông bà ngoại. Nhưng năm nay có chút khác biệt, ba tôi muốn về Bến Tre thăm lại nguồn cội của ông ấy: “Reng!... Reng!” Tiếng chuông đồng hồ vang lên. “Đến giờ rồi, dậy đi hai đứa. Chuẩn bị nhanh rồi ra xe về quê.” Ba tôi gõ cửa phòng đánh thức mọi người dậy. Tôi uể oải nhướng người một cái, lăn qua một bên ngủ tiếp: “Thật là ghét cái cảnh dậy sớm mà!” Tôi nghĩ thầm trong đầu. “Na Vy, mày mà không dậy tao với ba bỏ mày lại Sài Gòn ăn Tết.” Anh hai đập cửa phòng tôi, nói lớn. “Đó cũng là một ý kiến hay!” “Ba ơi, con Vy nói muốn ở lại Sài Gòn ăn Tết!” “Đâu, đâu là con nói mớ mà, con dậy rồi. 10 phút xong.” Tôi lật đật ngồi dậy, mắt còn lờ đờ, chạy vút vô nhà tắm. Chuyến xe bắt đầu chạy từ lúc 6h sáng, vì đường đi khá xa, nên ba tôi thuê hẳn một chiếc xe du lịch. Đây là lần đầu tiên tôi về Bến Tre, có một chút lạ lẫm với nơi này. Tuy thuộc vùng quê, nhưng đường xá ở đây khá sạch sẽ, phía dọc đường đi, hình ảnh cây dừa lùn cỡ người xuất hiện khắp mọi nơi. “Anh hai, cây dừa ở đây lạ quá. Nó lùn bằng con người.” Tôi kéo tay anh hai nhìn qua kính xe. “Là giống dừa xiêm lùn ở Bến Tre.” “Anh hai biết nhiều ghê.” “Mày có bao giờ coi thời sự đâu mà biết.” Cảm thấy bị quê trớt câu nói đó, tôi bèn tìm chủ đề khác nói chuyện với anh hai: “Hai nhìn kìa, sao trông ba nhiều tâm sự vậy?” “Chắc nhớ ông nội.” “Sao ba chưa bao giờ nhắc đến ông hả anh?” “Tao mà biết, tao lòng vòng chi cho mày hỏi quài.” “Anh chả bao giờ nói chuyện tử tế được một chút với em à!!” “Mày nhìn mày xem, suốt ngày nói chuyện ngang ngược, có dịu dàng như ai đâu mà đòi người ta tử tế.” “Anh….” Tôi lườm anh ấy một cái, quay đi chỗ khác, suốt đoạn đường dài tôi cứ im thin thít chẳng thèm nói thêm lời nào. Cuối cùng cũng tới nơi, chúng tôi đi vào một con hẻm nhỏ, con đường đầy đất đỏ và đá. Xung quanh toàn những khóm tre già và bụi cỏ mọc um tùm, dường như đã lâu chưa ai bước đến. Đi được một đoạn khoảng 100m, phía trước bắt đầu hiện ra một ngôi nhà lót mái tôn lụp xụp, có lẽ cũng lâu rồi chưa được sửa sang. Kế bên là một cái chuồng gà được đóng bằng ván gỗ trông thật tỉ mĩ, trước sân nhà có một bụi rơm to và chiếc xe kéo lúa. Từ trong nhà, bước ra một ông cụ có mái tóc bạc, dáng người nhỏ, gương mặt gầy gò nhăn nheo lộ rõ hai xương gò má nhô cao, đôi mắt đã lắp đầy những nếp nhăn của thời gian, làn da thì có chút ngăm đen. Ông ấy lụ khụ chắp tay sau hông bước ra. “Ồ chào ông!” Ba tôi cúi nhẹ người xuống. “Chào cậu! Cậu cần tìm ai?” Giọng nói run rẩy hỏi lại. “Cho tôi hỏi thăm, ông biết nhà ông Nguyễn Tự chứ?” “À! Tôi biết, biết rất rõ nữa là đằng khác. Đây chính là mảnh đất ông Nguyễn Tự đã để lại cho chúng tôi. Cậu đây có quan hệ gì với ông ấy, tại sao lại hỏi?” “À, tôi tên Phước, cháu ông Nguyễn Tự. Đây là hai đứa con của tôi.” “Trời đất, thật là quý quá. Tưởng ai xa lạ, tôi ở đây mấy chục năm rồi, giờ mới thấy có con cháu về hỏi ông Nguyễn Tự. Thôi! Trời nắng quá, cậu vô nhà ngồi chơi.” Bên trong nhà, có một chiếc bàn gỗ tròn và ba cái ghế đẩu. Ông ấy làm một bình trà nóng, rót ra mời chúng tôi, rồi lom khom ngồi xuống. “Nãy giờ nói chuyện, tôi chưa biết tên ông.” Ba tôi hỏi. “Cậu cứ gọi tôi là Tư. Vùng này hay gọi tôi là Tư Bé. Cậu uống trà đi, đường xá xa xôi chắc mệt rồi nhỉ. Giờ cậu sống ở đâu, sao lâu vậy mà giờ mới về thăm quê hương?” “Hiện, tôi ở trên Sài Gòn. Cuộc sống cũng khó khăn, nên không có nhiều thời gian tìm về quê nhà.” “Không giấu gì cậu, ngày trước gia đình tôi là người làm cho ông Nguyễn Tự. Từ lúc xảy ra trận hỏa hoạn năm đó, gia đình, dòng họ ổng sơ tán. Để lại mồ mã với mảnh đất này cho ba của tôi trông nom.” “Chuyện này tôi có nghe cha tôi kể qua. Nhưng không rõ tại sao lại có trận hỏa hoạn.” “Cậu nói xem, đương nhiên là có người tính kế phía sau rồi. Chỉ tiếc, năm đó tôi còn nhỏ quá. Kí ức đó với tôi bây giờ cũng mù mờ. Mong cậu thông cảm!” “Vâng! Tôi hiểu. Lần này đến đây, không phải để hỏi chuyện quá khứ. Tôi chỉ muốn tìm về cội nguồn theo di nguyện của cha tôi lúc sinh thời. “Thế thì quá tốt rồi! À mà, cậu có muốn đi xem nơi chôn cất của dòng họ mình không? Tôi dẫn cậu đi.” “Được, mong ông chỉ đường.” Ông Tư dắt gia đình tôi ra bên hông nhà. Đôi chân chậm rãi bước đi vì đường gấp khúc đầy đất đá lởm chởm. “Tới rồi đây! Nơi đây chính là khu địa táng của gia tộc nhà cậu.” “Nó rộng quá!” Tôi thốt lên. “Đúng rồi, gia đình ông Nguyễn Tự rất có danh tiếng ở vùng này. Lúc mới vào mọi người có để ý, đầu ngỏ có một cái miếu đình không?” “Có, miếu đó không phải của nhà nước xây dựng hả ông?” Anh hai tôi ngạc nhiên hỏi. “Không, không. Sau khi giải phóng, ngôi miếu đó mới do nhà nước quản lý. Thật ra, nó chính là tài sản của gia đình cậu.” Thì ra, lời ba tôi kể lúc trước không sai. Gia đình tôi khi xưa rất khá giả, có lẽ do cú sốc về tinh thần quá lớn nên ba tôi chẳng bao giờ kể cho chúng tôi nghe về ông nội. “Ông ơi! Phía bên kia là gì?” Tôi khẽ đánh tay nhẹ vào vai ông Tư gọi ông ấy. Ông Tư nheo mắt nhìn theo hướng tay tôi chỉ, chắp tay sau lưng rồi tiến lại gần hơn: “Bên đó sao, từng là nhà ông Nguyễn Tự đó cháu.” “Thế sao, cháu không thấy nhà?” “Mày ngốc quá, toàn hỏi những câu thừa.” Anh hai quay mặt sang nói với tôi. “Làm gì mà còn nhà. Năm đó bị cháy rụi cả rồi cháu. Giờ cái cháu thấy chỉ là mảnh đất trống, họa may còn tàn dư vài mảnh gỗ cháy đen dưới đống đất đá mà thôi.” Ông Tư nói. “Ông có từng đi qua đó chưa?” Tôi hỏi. “Có vài lần, nhưng cũng chẳng có gì hay ho ở đó.” “Vậy, cháu đi xem một chút nhé!” Ông Tư gật gật đầu: “Cẩn thận một chút, đằng ấy cỏ cây um tùm, lâu rồi không bóng người qua lại. Coi chừng rắn rết bò ra.” “Dạ! Con biết rồi, cảm ơn ông.” “Nè! Mày đi một mình đó, tao không theo đâu.” Anh hai kéo tay tôi lại nói “Ai cần anh chứ, lắm lời .” Nói xong, tôi mon men tìm đường theo lối mòn đi về phía mảnh đất bị bỏ hoang ấy. Đúng như lời ông Tư nói, những thứ còn sót lại chỉ còn là những mảnh gỗ cháy xém đang dần mục nát, rong rêu, cỏ dại mọc lên um tùm bao phủ lên những phiến đá, gạch nát và những mảnh lu vỡ vụng. Mọi thứ ở đây trông thật huyền bí, cứ như bản thân đang tự thực hiện một cuộc thám hiểm trong căn nhà hoang vậy, thật kích thích sự tò mò của người chứng kiến. Nhìn đống đá dưới chân thật không thuận mắt, ném chúng sang một bên xem phía dưới có gì. “Ôi! Cái gì thế này.” Tôi bất giác ngạc nhiên, vì trước mắt là một nền đất bằng gạch bông được thiết kế tinh xảo, mang đậm nét cổ điển. Sau trận hỏa hoạn, hầu hết mọi thứ đều bị thiêu hủy và vỡ vụn, nhưng riêng chúng thì vẫn tồn tại, quả là một điều kì diệu. Hóa ra bao lâu nay, những viên gạch này vẫn luôn được gìn giữ và ẩn nấp dưới đống đất đá này mà không ai hay biết. Trời đã đứng bóng, đã không còn sớm để ở lại đây quá lâu. Tôi đang định rời đi thì đột nhiên trong đống đất đá, lóe lên một tia ánh lấp lánh. Tiến lại gần hơn thì anh sáng đó càng rõ rệt hơn lúc nãy, tôi nheo mắt nhìn thật kỹ, rồi cầm nó lên: “Một chiếc lược sao?”
Free reading for new users
Scan code to download app
Facebookexpand_more
  • author-avatar
    Writer
  • chap_listContents
  • likeADD