Kiến Minh II, ‘96

2905 Words
    Tiết lập đông, đầu tháng Mười một, năm ‘96     Một buổi sáng điển hình của lớp chuyên tổng hợp 12A.     “Này ‘Mọt’, nghe tin lô sách mới của thư viện về háo hức qua không ngậm được mồm à? Há Há.”      Thằng mõm dài tới mang Ngô Thiên Vũ hạnh họe cứ thích xỉa tôi bằng cái biệt danh Mọt nó đặt cho tôi. Nhìn cái cách nó hất mày rồi cười nhếch mép mà tôi chỉ muốn bay tới cho nó lãnh một cú đấm vào mặt.     Nhưng tôi cũng không vừa, thích khẩu chiến luyện cơ miệng sáng sớm thì ông đây xin chiều.     “Ra là mày muốn tỷ thí nội lực sau khi luyện xong Quỳ Hoa Bảo Điển à. Hèn chi trông da mặt dạo này cũng ‘bóng loáng hẳn ra.”      “Mày nói ai ‘bóng’ thằng kia?” Thiên Vũ tức đỏ mặt vì bị đánh trúng điểm yếu. Cái gương mặt thanh tú phi giới tính của nó có thể là điểm cộng để cua gái nhưng trong mọi tranh luận với tôi thì đều biến thành điểm trí mạng.     Tôi và thằng Thiên Vũ thật ra cũng chẳng có xích mích gì, nhưng cả hai đứa tôi, đứa nào tính tình cũng thích so đo, thành thử, cũng có chút ganh đua về thành tích giữa chúng tôi. Xét về lập trình và chế tác thì Thiên Vũ rất có thực lực, bởi nó rất có khiếu về máy móc và tính toán, trong khi tôi thì thiên về ngôn ngữ và văn chương hơn. Dẫu sao thì việc tôi hơn nó một huy chương vàng từ hạng Nhất giải Văn học Quốc gia đã đủ để chọc ngoáy nó rồi.     “Thôi tôi xin hai ông, có dư năng lượng thì dành sức nghĩ tiết mục tấu hài trong ngày lễ tri ân giáo viên sắp tới ấy,” một giọng nữ nói chêm vào.      Giọng nói vừa kịp thời ngăn chặn cuộc khẩu chiến giữa tôi và Thiên Vũ chính là của Lạp Kha Ân hay Tiểu Ân, biệt danh chúng tôi đặt cho cô ấy vì có tháng sinh nhỏ nhất. Tiểu Ân là bóng hồng duy nhất nhóm Thanh Phong Tứ Trụ chúng tôi, đồng thời cũng là Đệ Nhất Hương Sắc Thanh Phong bước ra từ cuộc thi sắc đẹp mà trường tổ chức trong đợt trại hè vừa rồi.     “Có người đẹp đây nói đỡ, tao tha mạng cho mày đó Mọt.” Thiên Vũ giả vờ xuống nước.     “Đúng là váy rộng phủ đời trai. Thôi thì nay ngày lành tháng tốt, tao đại ân xá, miễn tội khi quân,” tôi đáp trả.     “Mày…”     “Thôi đi Kiến Minh, đừng chọc Thiên Vũ nữa.” Tiểu Ân vội giảng hòa, liền đánh trống lảng. “Mà nhắc tới lô sách đó mới nhớ, tôi nghe thầy Kha Luân nói đợt này về kha kha tạp chí nghiên cứu nước ngoài. Nghĩ đây là dịp lớn để nhóm Tứ Trụ chúng ta giương oai với đám trường Châu Thủy trong cuộc thi tranh biện khoa học sắp tới, tớ đề xuất nhóm mình ra về xuống thư viện!”     “Bien sûr,” tôi tán thành.     “Thằng Mọt đi, không lẽ tớ không theo?” Thiên Vũ đồng tình, dù có chút ngần ngại.     “Vậy còn cậu thì sao, Nhị Đại ca ca? Đừng nói là...” Tiểu Ân quay xuống người đang bận xào mấy con chip đánh bạc trong tay.     Cả bọn chúng tôi đã quá quen với hình ảnh này của nó, thiếu gia nhà họ Trương. Thằng Nhị Đại lớn lên trong gia đình phú thương, ba đời kinh doanh bất động sản, nên trong đầu nó lúc nào cũng nghĩ tới chuyện thiệt hơn.     “Hm, tôi đang nghĩ xem, chỗ sách đó giá trị thế nào để còn in lậu bán...” Nhị Đại vừa nói, vừa ngước mặt lên nhìn trần nhà tỏ vẻ đăm chiêu.     Cả bọn lắc đầu, xin hàng. Thiệt tình, cái máu con buôn ăn sâu vào DNA của nó rồi.     Bỏ qua nghi thức chào hỏi không mang tính xây dựng đặc trưng của nhóm, tôi háo hức nghĩ về những gì Tiểu Ân vừa đề cập. Đây thực sự là cơ hội để Kiến Minh tôi đây cập nhật thêm về nghiên cứu y khoa về phân tâm học, về các động lực tiềm tàng thúc đẩy hành vi và suy nghĩ. Nghĩ tới chuyện nói bất cứ điều gì cũng trúng tim đen của các thiếu nữ, tự nhiên tôi thấy sướng rân người, vô thức bật cười khanh khách. Đúng lúc đó thì thầy chủ nhiệm Kha Luân vừa vào lớp, bắt đầu tiết sinh hoạt sáng thứ Bảy. Vừa bắt gặp Tứ Trụ chúng tôi, mặt thầy nghiêm hẳn, giọng đanh lại:     “La Kiến Minh, Ngô Thiên Vũ, Lạp Kha Ân, Trương Nhị Đại! Bốn đứa tụi trò vì bị mắng vốn nữa đấy, lần này là từ chủ nhiệm bộ môn Hóa-Sinh, Bạch Giáng Mi. Các trò muốn được xướng danh dưới cột cờ mới thôi phá phách có đúng không?”     Chậc, Bạch “Thái thái” lại thêm thắt gì rồi. Thật ra trong tiết đó, Tiểu Ân chỉ... minh họa hai giao tử sống động hơn một tí, Thiên Vũ thì giải sơ đồ hoán vị bằng ngôn ngữ Pascal, còn tôi với thằng Nhị Đại chỉ đặt vấn đề về tính hiệu quả của phép lai tính trạng đột biến trong ví dụ cây cà chua. Chỉ thế thôi mà bị mắng vốn!?     Nghe tới đó, tôi từ tốn thanh minh: “Thưa thầy, nhà trường lúc nào cũng đề cao tính sáng tạo. Em nghĩ áp dụng kiến thức đa ngành là tốt chứ sao lại thành chuyện đáng để lên sổ kiểm điểm?”     Là thành viên số hiệu 001 của nhóm, tôi nhận trách nhiệm giải trình trong mọi cuộc điều trần với ban giám hiệu nên mấy chuyện cỏn con này không làm khó được tôi.     “Kiến Minh, trò chỉ giỏi lý sự. Bốn cô cậu đều là hạt giống của trường nên ban giám hiệu mới mắt nhắm mắt mở cho qua, chứ nhiều giáo viên phản ánh thái độ của các trò. Mình thầy thôi không bảo vệ được. Mấy đứa hãy tiết chế. Tiết chế lại!”     Kể ra cũng không phải tâng bốc, bốn chúng tôi đã sát cánh với nhau từ hồi mới vào đỗ vào đệ nhất (lớp 10). Năm đó, cả bốn chúng tôi đều đỗ thứ hạng cao để vào được lớp chuyên tổng hợp mà học sinh ở đây gọi là lớp “Tinh anh”. Theo những gì tôi nhớ được thì Tiểu Ân đứng đầu rồi tới tôi, Thiên Vũ, cuối cùng là Nhị Đại.     “Chúng em biết rồi ạ!” cả bốn chúng tôi đồng thanh đáp.     Và rồi tiết sinh hoạt cũng trôi qua êm đềm, thầy Kha Luân vẫn nghêu ngao về thành tích mà lớp chúng tôi đạt được trong kỳ thi học sinh tiêu biểu cấp thành phố. Đối với chúng tôi lúc đó, giải thưởng chỉ là thứ phù phiếm, duy chỉ kiến thức và cảm giác hăng say đè bẹp đối thủ mới là sự tưởng thưởng đáng để phấn đấu.     “À phải rồi, thầy có một tin cần thông báo. Trường ta mới nhận được một lô sách ngoại văn và tạp chí khoa học từ Đại Học Bách Khoa, lớp ta được chọn để phân loại đầu sách và viết lời giới thiệu cho các đầu mục, và có thể là được dịch sách nữa. Thầy cần năm bạn tình nguyện.”     “Bốn đứa chúng em là đủ rồi ạ. Thầy cũng thừa biết vậy mà.”     Cả lớp thở dài, không cần quay lại cũng đoán được ai là chủ nhân của phát ngôn mạnh miệng kia. Chính tôi chứ ai.     Như thể đã quá quen với tính bốc đồng của tôi, thầy Kha Luân bèn vội phân bua. “Đâu có… Này Kiến Minh, cơ hội phải san sẻ cho các bạn khác nữa chứ?”     “Thôi khỏi thầy ạ, bọn em đợi đọc bản dịch của bốn đứa này có khi còn nhanh hơn tham gia cùng.” Lớp phó văn thể Giáng Mi lên tiếng.     “Cảm ơn các bạn đã chiếu cố, chúng tớ sẽ dốc hết sức đem về tài liệu quý.” Tôi đắc chí phát biểu, vừa ngồi xuống là cười khà khà.     Tôi quay sang cả bọn, chỉ tay vào đồng hồ ra hiệu 11 giờ và trỏ ngón cái về phía thư viện. Cả ba đứa kia không nói không rằng, chỉ gật đầu hưởng ứng. Vậy là cả bọn đã thống nhất.                                                                                             ***     Thứ Bảy là ngày học nhẹ nhất, còn đối với học sinh phổ thông cuối cấp thì càng giống như ngày quốc khánh. Tiếng trống trường vừa ngân lên mấy nhịp là từ khắp các dãy, học sinh túa ra nghẹt cả cổng. Song, nhóm Tứ Trụ chúng tôi có thiên chức phải gánh vác.     Đúng mười một giờ, cả bọn đã đứng trước cửa thư viện. Vừa hay lúc đó cô thủ thư mới về trường đến.     “Chào các em, xin lỗi đã bắt các em đợi, giấy tờ xác nhận rồi biên bản các thứ nhiêu khê quá nên cô tới trễ.”     “Không sao đâu ạ thưa cô Niên Hoa, chúng em chỉ vừa mới tới.”      Tiểu Ân đại diện đáp lời, bởi cậu ta… là người duy nhất không nhát gái trong nhóm.     “Thôi, mình vào công việc chính nhé. Lô sách này toàn ngoại văn mà cô thì không biết nhiều ngôn ngữ nên đành phiền tới các em vậy. Mà sao, ba em nam có vẻ ít nói nhỉ?”     Nghe vậy ba đứa con trai chúng tôi ù ù cạc cạc đáp cho có lệ. Không thẹn làm sao được bởi cô Niên Hoa sở hữu vẻ đẹp thuộc đẳng cấp minh tinh mà tính cách lại còn dễ thương nữa. Cô ấy mới về trường được bốn năm mà đã khối công tử con nhà phú thương trong vùng cưa cẩm, nhưng chẳng ai thành cả. Nghe phong thanh thì cô ấy đang ôn thi cao học, gia cảnh cũng rất khá nên chỉ làm thủ thư cho vui. Một con người như thế xứng đáng là nữ thần để Tứ Trụ chúng tôi noi theo.     “Cô cứ kệ tụi nó đi ạ.” Tiểu Ân cười trừ, nói hộ.     “Thôi vào đây. Bốn cái thùng to tướng kia là lô sách thuộc ba ngôn ngữ khác nhau, Pháp văn, Anh văn. Hình như cả bốn đứa đều biết ngoại ngữ nên hãy giúp cô viết lời giới thiệu, phân bố các đầu sách nhé.”     Vậy là cả nhóm năm người chúng tôi cật lực đọc bìa phụ, bìa bốn, mục lục và lời giới thiệu của từng cuốn sách để nắm nội dung đại ý, còn tạp chí thì chỉ cần phân theo hiệp hoại và sắp xếp theo kỳ là được. Trong nhóm chỉ có tôi và Tiểu Ân là biết thêm tiếng Pháp nên chúng tôi phân ra nhóm hai đứa một thùng, còn cô Niên Hoa sẽ làm công tác lưu trữ hồ sơ cứng và xếp lên kệ. Ấy vậy mà thấm thoát đến gần bốn giờ chiều mới xong hết chỗ sách khổng lồ ấy.     “Nhìn các em háo hức làm việc như vậy khiến cô nhớ ngày xưa ghê. Cách đây bốn năm, ngày đầu mới về trường cô cũng nhận được một lô sách giống vậy, mà khi đó chưa có lớp Tinh Anh nên cô loay hoay mãi chả biết làm sao. May mà có một bạn nữ nhiệt tình đọc và làm hết giúp cô trong một buổi.”     “Hả? Cô nói sao? Chỉ trong một buổi ư? KHÔNG THỂ ĐƯỢC”     Cả bọn chúng tôi vừa thở dốc vừa la lên. Dù gì lớp Tinh Anh mới được lập gần đây với mục đích đào tạo “gà chiến” cho trường, dù không dám nhận là giỏi nhất nhưng tìm người giỏi hơn chúng tôi là không thể, chí ít là ở trong trường này.     “Thật đấy, bạn ấy rất cá tính và còn rất giỏi nữa. Đọc được cả triết học và văn học nước ngoài và tóm tắt lại cho cô nữa. Lại còn là thành viên ban nhạc rock địa phương gì đó nữa. Bạn ấy cũng có cái tên cũng rất lạ mà cô quên mất rồi. Tiếc là… giờ bạn ấy không còn nữa.”     “Có chuyện gì vậy cô?” Chúng tôi thật sự không giấu nổi sự tò mò đối với nữ tiền bối này, một con người hết sức đặc biệt.     “Cô nghe nói bạn ấy bị một kẻ thủ ác nào đấy đâm khi đang trên đường dự thi đại học môn đầu tiên. Cô không biết bạn ấy có được cứu hay không vì báo chí địa phương nhanh chóng gỡ tin đó xuống, gia đình cô bé cũng chuyển đi không lâu sau đó. Hồng nhan tài trí như vậy mà đoản mệnh quá các em nhỉ.”     “Không thể tin được lại có chuyện này xảy ra trong trấn ta. Chúng em chưa bao giờ nghe người lớn đề cập về vụ này cả.” Nhị Đại giờ mới bắt đầu lên tiếng. Nó là đứa quen biết nhiều mối làm ăn của cha nó,      “Cô e rằng vụ này có liên quan đến con trai cưng của một gốc to nào đó nên mọi chuyện nhanh chóng lắng xuống. Cả trấn cũng chẳng có mấy ai biết, và những ai đã biết thì không được phép nhắc lại nữa.     Cả bọn tiếc nuối cho số phận của một nhân tài bi thảm và oán trách cho chế độ kinh tế trị của địa phương. Song, chúng tôi cũng chỉ là một đám nhóc vắt mũi chưa sạch, chẳng biết làm gì hơn ngoài thương tiếc.     Bỗng lúc đó tôi phát hiện một điều thú vị.     “Ể...? Cô Niên Hoa ơi, trường chúng ta có mục ‘Sách Khác’ sao? Có những tựa sách không thể phân loại khác à?”     Hóa ra trong thư viện có một góc khuất và nơi đó có một kệ sách cao phủ đầy bụi, trên đó là những sách đã ố vàng, phủ đầy mạng nhện. Tôi đặc biệt thu hút bởi những xưa cũ hoặc thuộc thế hệ của bố mẹ tôi, đó cũng một phần là ly do tôi tìm đến tiếng Pháp và những thành tựu của nó như Claude François, Christophe,  Balzac, Jules Verne, Baudelaire…      “Ồ, chỗ sách đó là không phải để phân loại mà là để lưu kho hoặc quyên góp sách cũ từ thiện, cũng có vài học sinh hay chui vào đó đọc sách. À, nhắc mới nhớ, góc đó ngày xưa là chỗ yêu thích của bạn học nữ đó đấy.”     Nghe vậy tôi càng thấy mọi chuyện về nữ tiền bối đó càng thú vị, nhưng người ra đi cũng đã lâu, chắc chẳng còn lại gì.     Lướt nhìn một hồi, tôi phát hiện điểm kỳ lạ. Trên tầng cao nhất của kệ có độc nhất một quyển sách trong khá nhàu nát, nhưng lại không có bụi. Tôi vội lấy xuống, phủi bụi và đọc tên tựa sách: La Structure de la Personnalité, 1968, NUTTIN, Joseph. Cuốn sách xuất bản năm 1968 của nhà xuất bản Tạp chí Đại học Pháp nhanh chóng thu hút sự chú ý của tôi vì lịch sử mượn sách dán phía sau bìa sách trống trơn, nhưng có vẻ được bảo quản khá cẩn thận và có nhiều bút tích ghi chú.     Đọc lướt qua lời giới thiệu của cuốn sách, tôi phát hiện ngay trong trang mở đầu chương I có một phong thư cũ bị ẩm một góc. Tôi lập tức nghĩ đây là thông điệp từ một bạn nữ giấu tên nào đó muốn tìm tri kỷ qua thư từ vì nét chữ trông như được nắn nót cẩn thận. Có lẽ bạn ấy vẫn thường kiểm tra thư hồi âm nên cuốn sách mới không có bụi thế này.         Nếu có ai nghe thấy lời tôi nói, xin hãy cho tôi biết trong tương lai tôi sẽ có gì khác ngoài những chùm tử đằng và CD của Al Stewart?     Đó là tất cả những gì viết trong thư, tôi hồi âm bằng tựa một bài hát của Nina Simone đang thịnh hành trên radio và cầu mong sớm thứ Hai người đó sẽ nhận được.     Chiều muộn, nắng vàng trải dài sườn đồi, tiếng cười giòn tan của bốn đứa chúng tôi vang vọng trong không gian, lòng tôi mơ mộng về ngày không xa.     Đêm đó, mưa rất to, có người nói rằng đã chứng kiến một góc trong thư viện bị sét đánh trúng. Nhưng nhờ có cột thu lôi, tia sét đã chuyển hóa thành một thứ khác.       
Free reading for new users
Scan code to download app
Facebookexpand_more
  • author-avatar
    Writer
  • chap_listContents
  • likeADD