Đổng Khiết I, ‘92

3963 Words
    Một sáng tinh mở thứ Bảy của những tuần đầu đón Đông về,      tháng Mười một, 1992, Phổ thông Thanh Phong.     “Này Đổng Khiết, chờ mình với!”     “Lẹ làng đi Nghi, đi như cậu thì chừng nào mới bắt kịp mũi tên*.”     “Hự... hự...” Tuệ Nghi vừa bước vừa thở hồng hộc trông rất buồn cười. “Đường trơn mà! Tự nhiên hôm qua trời nổi bão chi không biết.”     “Tớ biết, nghe nói sóng lớn đánh vượt cả bờ kè, vô tới con lộ ven biển luôn ây..”     “Ừ, may mà không có thương vong hay thiệt hại gì cả. Mà sao mưa gió vậy còn phải đi sớm vậy Đổng Khiết, xả hơi một tuần có sau đâu…” Tuệ Nghi bắt đầu chiêu bài dỗi hờn sáng sớm.     “Vì nay là thứ Bảy, ngày thiêng liêng trong tuần của tụi mình. Kể cả trời sập thì tụi mình cũng không được phá vỡ quy tắc,” tôi nhẹ nhàng đáp.     “Nhưng tổng vệ sinh là vào cuối giờ học, chả hiểu sao cậu cứ thích làm đầu giờ. Cứ tới thứ Bảy là cậu lại lôi tớ khỏi nhà từ tờ mờ sáng, mà cậu thì cứ bước vội, sao tớ theo kịp...” Tuệ Nghi phụng má.     Kể cũng tội cho Nghi, cô bạn thân nhất của tôi từ hồi tiểu học đến giờ, lúc nào cũng kè kè bên tôi. Nhưng biết sao được, ngày thứ Bảy thiêng liêng, tôi không muốn phí phút giây nào cho việc sinh hoạt cuối tuần hay tổng vệ sinh cả. Vả lại, việc tôi tới sớm mỗi cuối tuần đã trở thành điều hiển nhiên với bác bảo vệ, thậm chí bác ấy còn tin tưởng giao chìa khóa lớp cho tôi nữa.     “Cậu biết mình mà Nghi. Mình thích lên thư viện và đắm mình trong đó. Thư viện trường mình khá cách âm nên hôm qua tớ có xin phép cô Hoa cho tớ được gảy đàn trong đó nữa.”     “Gì, cái cô Niên Hoa thủ thư mới về trường dễ tính vậy sao? Thế cậu không phiền nếu mình ở lại nghe chứ?” Tuệ Nghi mở to mắt chớp chớp, hai tay bọc lại hình quả đấm, hơi rụt đầu vào một tí và tung vẻ mặt nài nỉ.     Không cần làm bộ dạng này Tuệ Nghi cũng đã rất xinh. Gương mặt có hơi bầu một tí nhưng bù lại bằng chiếc cằm nhọn, bờ môi dày chúm lại ở giữa và cong uốn lượn về phía đuôi, trông khá giống mèo. Tuệ Nghi lúc nào cũng vận một trang điểm nhẹ nhàng, lại rất biết cách ăn mặc.      Điểm chết người của Tuệ Nghi nằm ở đôi mắt to như hạt đậu ván cùng đôi ngài lá liễu đậm nét. Cậu ấy có mái tóc dài thướt tha, lúc nào cũng được cột gọn gàng và chẻ mái xéo, chả bù với mái tóc pixie xoăn không đều và có phần hơi lỉa chỉa một chút của tôi vì tôi tự cắt, tự uốn.      Mỗi lần cậu ấy trưng vẻ mặt yếu đuối cùng bộ dạng dễ thương để van nài kia thì bọn con trai của trường ngã rạp xuống phục tùng ngay. Nhưng tiếc là Đổng Khiết tôi đây không có hứng thú với con gái.     “Tất nhiên… là phiền rồi. Ha ha.”     Trời xứ biển sáng lên rất nhanh, trong một thoáng nọ, tôi thấy ở cặp mắt đậu ván kia như có vài giọt sương long lanh trên khóe mắt. Rồi, cậu ta lại giở chiêu thức cuối cùng của Mê Hồn Luyến—chỉ có Tuệ Nghi trẻ con mới có trò đặt tên cho mấy chiêu dụ hoặc lòng người bằng nhan sắc học lỏm từ mấy cuốn sách về ngôn ngữ cơ thể của tôi thôi.      “Thôi được rồi, đừng nhìn mình với cặp mắt ấy. Mình đùa thôi, cứ đến cùng mình.”     Chỉ chờ có thể là Tuệ Nghi nhảy dựng lên, hai mắt híp lại, cười toe toét.     “Tất nhiên là phải thế rồi, ít ra cũng phải trả công mình chớ. Mà nè, hôm nay đánh bài gì mà… con mèo gì đó… tớ quên mất tên rồi.”     “Year of The Cat của Al Stewart. Được thôi, sao nỡ phụ lòng thính giả trung thành này được.” Tuệ Nghi rất dễ tính, hảo ngọt nên chỉ cần chiều cậu ấy một tí là tôi có thể bắt cậu ấy đồng hành cùng tôi suốt ngày dài, hoặc rong ruổi khắp ngõ ngách trong trấn.     Đến lớp, tôi mở khóa cửa và quét lớp trong khi Tuệ Nghi tranh thủ chuẩn bị dụng cụ vệ sinh ở phòng dụng cụ. Quét dọn sơ bộ xong, chúng tôi lẹ làng lau khắp các ô cửa sắt và cửa ra vào, đồng thời chà nát cái sàn nhà mà trong tuần lũ con trai chỉ quét dọn qua loa, rồi giặt bông bảng và lau sạch bảng đen.     Cứ như đều tay như vậy, đến khi bạn học đầu tiên bước vào lớp là chúng tôi đã xong xuôi, đâu vào đấy gọn gàng, tươm tất. Phải nói là cả Tuệ Nghi và tôi đều kỹ tính nên nhìn lớp học sách bóng không chê vào đâu được.     Hai tiết Toán, một tiết Pháp văn trôi qua nhanh chóng đối với tôi vì kiến thức trên trường không quá khó. Chắc cũng nhờ mấy giải thưởng to nhỏ tôi giành về cho trường nên rất ít khi tôi được gọi trả bài. Thay vì chú tâm vào bài giảng, tôi bận suy nghĩ về bài thơ mới đọc của Victor Hugo, Demain, dès l’aube (Ngày mai, khi trời vừa hừng đông).          Hừng đông sớm mai, vào giờ này,         khi vùng quê hiện lên trong sương trắng,         Em sẽ khởi hành, tới nơi có anh mong.         Em sẽ băng rừng, vượt núi trở.         Bởi không thể xa anh thêm chút nào...     Chậc, có lẽ vì hiện thực trước mặt mà tôi muốn trú ẩn vào thi ca và sách vở, và thứ Bảy là ngày thiên đàng mở cổng cho linh hồn tôi được phép rửa tội. Tôi thật sự mong đợi ngày này để không phải nghĩ cách để xoay tiền nợ mà khoản lãi nó đẻ ra ngày một nhiều, nhiều đến không trả nổi.     Tôi không muốn trách bố mình, có trách thì trách tôi ra đời không đúng thời điểm để phải mang số phận này. Tôi không ghét ông, nhưng chắc rằng cũng không thể yêu ông như trước được. Kể từ cái ngày ấy.     Tôi đã từng là một đứa hồn nhiên, vui thích bên chúng bạn và gia đình. Bố tôi là kỹ sư cơ khí, nhà tôi từng là xưởng đóng tàu thuyền cho ngư dân trong vùng, mẹ tôi là một nhà thiết kế nội thất, vì ưng ba tôi nên chịu về xứ biển này. Cuộc sống của tôi trước những năm phổ thông lúc nào cũng tràn ngập trong bầu khí văn học và những giai điệu từ máy hát cũng như tiếng đàn của bố, Iron Maiden, CCR, Led Zeppelin, Styx, Jimi Hendrix, Bob Dylan,...      Niềm hạnh phúc của tôi lớn dần theo những con sóng và những lần bụi cây Kochia đổi sắc. Nhưng mẹ tôi, tâm hồn bà có lẽ đã theo những đợt sóng cuốn dần ra xa khỏi thị trấn này để đến một bến bờ nào đó rộng lớn hơn, phồn hoa hơn. Và rồi cũng từ đó, những đĩa than đóng bụi và chiếc máy hát đã thôi không còn chạy, tiếng máy móc cũng tắt ngủm, cả ngôi nhà như chìm vào một bể sâu vô vọng, trong rượu chè và cờ bạc. Và cả những khoản nợ. Mọi thứ đã như thế trôi tuột khỏi tay tôi khi tôi vừa lên đệ nhất cấp.     “Đổng Khiết! Tỉnh dậy đi, thầy chủ nhiệm la kìa!”     Tuệ Nghi vừa giật giật tay áo đồng phục của tôi, vừa hối thúc.     “Hả? À… tới tiết chủ nhiệm rồi à?”     “Lại mơ mộng nữa à Đổng Khiết,”—Thầy Kha Luân vội cắt ngang mạch suy tưởng của tôi và mang tôi về với thực tại—”nên nhớ là mơ mộng không giúp mang lại huy chương vàng đâu. Báo cáo xong thành tích lớp trong tuần rồi xuống thư viện tự học như mọi khi nhé.”     Ơn thầy, em chỉ mong có thế, tôi mừng thầm trong bụng.     “Vâng ạ…”     Tôi bước lên bậc tam cấp và bắt đầu thực thi trách nhiệm lớp phó học tập của lớp 12A.     “Trong tuần vừa qua, có ba bài kiểm tra miệng đầu giờ của ba môn Văn, Khoa học và Địa lý, một bài kiểm tra một tiết môn Lý. Nhìn chung, điểm trung bình của lớp ta tuần vừa qua là trên 8.7, cao hơn đỉnh của hai tuần trước 0.2.”     Ừ thì, lớp tôi là lớp chọn mà. Nghe đâu trường đang khảo thí mô hình chuyên tổng hợp, gọi là “Tinh Anh” hay gì đó, để tranh đua các cuộc thi cấp quốc gia (là chính) và để dẫn dắt các lớp chọn “thường” khác. Vì mô hình tú tài phân ban đã bị bãi bỏ từ lâu nên nhà trường cần thay một mô hình đầu tàu khác. Và kết quả là lớp tôi, nơi có điểm trung bình hai năm liền đệ nhất, đệ nhị trên hạng Tối ưu, được chọn để thì điểm mô hình sơ khởi nhất của cái hệ thống “Tinh Anh” đó.     “Riêng về mặt tác phong, lớp ta chỉ ghi nhận một trường hợp nhắc nhở là bạn Linh San vì có hành vi chưa nghiêm túc trong học tập và kiểm tra. Em xin hết.”     Lớp phó học tập là một cái chức vụ phụng sự trăm họ, chí ít trong mắt tôi là vậy. Vừa phải chăm lo thành tích chung của lớp, vừa nắm bắt tình hình kịp thời của các bạn gặp khó khăn, vừa phải tránh “các thành phần” như cái tên Linh San tôi vừa nhắc đến.      Và sự linh ứng của chức vụ này hiệu nghiệm ngay khi đối tượng được gọi tên. Phạm Linh San hay còn gọi bằng "tên cúng-cơm” San San không hề dễ thương tốt tính như tên gọi. Ngay khi nghe tên mình được nhắc đến trong bản báo cáo, nó đã ném ngay cho tôi cái nhìn đầy ác ý.     “Cảm ơn em, Đổng Khiết. Còn Linh San, thầy nhắc nhở em lần cuối, còn thiếu nghiêm túc nữa là thầy đẩy em khỏi chương trình chuyên tổng hợp này đấy!” Thầy Kha Luân nhanh chóng chuyển sự chú ý từ tôi sang đối  tượng bất hảo kia.     Và như mọi khi, tôi biết chính xác những gì "nó" sẽ...     “Mày được lắm Đổng Khiết, cái con mách lẻo này. Có ngày nhé!”                                                                                                 … nói tiếp theo      Tôi đã quen với thái độ này của Linh San. Với vị thế sát bên cạnh bàn tôi về phía tay trái, Linh San thỏ thẻ những lời có gai. Chất giọng trong trẻo trái ngược với nội dung thông điệp, nó hay trấn áp tôi bằng lời sự nước đôi giữa sự ác ý và bộ mặt gãi gãi đầu đáng yêu đầy giả trân.     “Thưa thầy, nếu không còn gì cần đến em nữa, xin phép thầy cho em và Tuệ Nghi được lên thư viện. Cô Niên Hoa hôm trước có nhờ em và Tuệ Nghi xuống phụ sắp xếp lô sách mới của trường ạ.” Tôi đứng lên xin phép.     “Ừ thì… cũng không còn gì. Hai em lúc nào cũng trực nhật đầu giờ là để xuống thư viện còn gì. Đi đi, thầy cho phép.”                                                                                             ***     Cuối cùng thì tôi và Tuệ Nghi cũng có thể rời khỏi chốn áp lực đó. Tuệ Nghi cũng như giống như tôi, hai đứa đều không thích đặt nặng thành tích dù cả hai cùng đạt thứ hạng cao trong kỳ thi Ngữ văn cấp quốc gia. Có lẽ sự tương đồng trong tính cách đã gắn kết và giúp chúng tôi vượt qua nhiều thứ cùng nhau.     Hai chúng tôi vừa sải bước dọc hành lang dẫn tới thư viện, Tuệ Nghi suốt cả quãng đường cứ khúc khích cười.     “Này Đổng Khiết, cậu ban nãy có thấy bản mặt con San San không? Ha ha, trông đúng kiểu tỵ nạnh với cậu luôn ấy. Mà cậu cũng nên cẩn thận, sắp tới nó định giở trò gì đấy, tớ ngồi sát sau nó nên nghe rất rõ.”     “Tớ biết, không phải lần đầu đâu. Nhưng nó cũng chả làm gì được tớ cả, phường mạnh miệng là phường vô hại mà, hì hì.”     “Haha, cũng đúng. Mà lô sách đợt này khủng quá, không biết sức hai đứa mình làm bao lâu mới xong?”     “Thật ra thì đâu vào đấy cả rồi, tớ chỉ viện cớ để cậu được xuống cùng thôi.”     Tuệ Nghi trố mắt kinh ngạc khi nghe tôi nói thế. “Sao cơ? Mình cậu với cô Niên Hoa làm hết ư?     “Ừ thì… mình dịch và đọc thành văn, cô Hoa đánh máy lại. Tớ không phân theo ngôn ngữ mà theo tác giả và chủ đề nên mạch đọc hiểu không bị ngắt quãng, cứ thế mà phân loại thôi.”     “Không hổ danh là Khiết ‘Đa-zi-năng’ mà, nể cậu thật đó.” Tuệ Nghi vả vai tôi một cái rõ đau.     “Uấy, đau. Cậu thương mình thì lên phòng nhạc cụ lấy đàn và đờn xuống đi. Tớ vào kiểm tra thư viện kiểm tra một thứ trước.”     “D’accord madame!”      Thế là Tuệ Nghi hồ hơi, ba chân bốn cẳng chạy đi lấy nhạc cụ. Thiệt tình, cậu ấy như một viên ngọc quý không nên vị vấy bẩn. Càng nghĩ càng thương cậu ấy gớm. Phải chi hai đứa tôi có thể lên đại học cùng nhau, nhưng e là…     Vừa rẽ vào cửa thư viện, tôi hơi choáng nhẹ trước những gì mà tôi trông thấy: Các kệ sách đã được cô Niên Hoa trang trí lại, đề tên và đánh số La Mã, trông chả khác gì các hiệu sách tây văn trên tạp chí cả. Rồi cả góc đọc sách nữa, cũng được tổ chức lại rất gọn gàng và lót nệm bông. Và thứ mà tôi quan tâm nhất là góc thư giãn đã được cô dọn dẹp lại, bắt thêm đèn và có thêm rèm cửa cùng hai ba chiếc ghế mây chẳng biết từ đâu có.     “Cô khéo tay thật đó...” Tôi tấm tắc khen, cố giấu cảm giác sướng rân, muốn nhảy dựng lên và nắm lấy tay cô như thể gặp được vị cứu tinh.     “Cô biết em sẽ thích mà,” cô Niên Hoa đáp lời, cùng với đôi mắt cười. “Nào, vào thử đi.”     Tuy cô Niên Hoa mới về trường làm thủ thư một tuần, nhưng phải nói rằng cô rất biết nắm bắt tâm lý học sinh và có mắt thẩm mỹ đậm chất tây. Không như những giáo viên khác mặc lễ phục truyền thống, tôi để ý ra cô có vẻ thích vận com-lê cách tân với khaki ống rộng trông rất hiện đại, tân thời. Mái tóc dài chấm lưng, không búi cao thì cũng cột băng đô. Mặt trái xoan thanh tú, lối trang điểm nhẹ nhàng, sáng tối từng khối hiện rõ.     Người gì đâu đẹp người đẹp nết đến thế, phải tôi là con trai tôi cũng xiêu lòng trước cô. Nhưng tiếc là tôi có cuộc tao ngộ với sách rồi.     “Nhất định rồi, em sẽ ghé quầy khoa học trước…”     “Ý em là kệ?”     “Dạ vâng… em nhầm tí.”     Không thể giấu được sự háo hức được nữa, tôi nhanh chân tiến tới cuốn sách mà tôi đã để ý khi giúp cô phân loại sách. Không hẳn là sách, nó giống một cuốn sổ tay ghi chép nhưng được đánh máy cẩn thận với tựa đề Lượng tử & Thời gian của một giáo sư ẩn danh nào đó, L. K. M. Tôi lật lại trang mà tôi đang đọc dở hôm bữa.         [...] Du hành thời gian là khả dĩ nếu có một nguồn năng lượng đủ lớn bẻ cong không-thời gian. Không-thời gian khi đó sẽ bị bẻ cong và vật chất có thể dịch chuyển trong những đường cong không gian. [...]     Đó là đoạn mà tôi thấy thú vị nhất, nếu giả thuyết này đúng thì việc du hành thời gian là khả dĩ. Song, vấn đề lớn là năng lượng để chạy phương trình đó quá lớn. Tiếc một chuyện là quyển sách này nằm trong mục đọc tại chỗ do số lượng in ấn có hạn nên tôi không thể mang về nhà "ngâm cứu" được.     “À Đổng Khiết, hôm qua mưa bão lớn lắm em có biết không. Chú bảo vệ nói với cô rằng có sét lớn đánh ngang thư viện đó, nhưng không có hỏa hoạn. Nghe vậy cô tức tốc chạy kiểm tra nhưng chẳng có tổn thất nào cả. Kỳ lạ em nhỉ?”     “Em nghĩ có thể nhờ cột thu lôi trên nóc các tòa nhà nên năng lượng dẫn truyền xuống đất và trung hòa hết rồi ạ.”     “Chắc là vậy, cô cũng không tỏ mấy vụ khoa học lắm, hì hì.” Cô Niên Hoa cười trừ, coi như khúc mắc đã được lý giải.      Vừa kịp lúc đó Tuệ Nghi mang theo nhạc cụ xuống.     “Phù… nặng quá… Đổng Khiết… lại phụ tớ đi...” Tuệ Nghi vừa nói vừa tranh thủ lấy hơi.     Tôi vội khuân hộ Tuệ Nghi cây organ vào góc thư giãn trong thư viện và lắp đặt, còn cậu ấy thì vác cây guitar hộ tôi. Loay hoay một hồi, chúng tôi cũng tổ chức xong một điểm “acoustique” nhỏ nhỏ xinh xinh trong góc thư viện, cô Niên Hoa cũng tạm gác công việc mà tham gia cùng hai đứa tôi.     “Hôm nay hai đứa tính tập dượt bài gì?”     “Dạ, là Year of The Cat của Al Stewart ạ, Đổng Khiết chọn đấy ạ,” Tuệ Nghi nhanh nhảu lễ phép đáp.     “Cho cô hỏi tại sao lại là bài này được không?”     Tuệ Nghi hích vai tôi, lại còn nhướn mày như thể cậu ấy cũng tò mò muốn biết. Dù không quen mấy việc phải giải thích lựa chọn với người khác, nhưng bên cạnh Tuệ Nghi và cô Niên Hoa tôi thấy cũng an tâm.     “Dạ, vì câu chuyện tình xuyên thời đại ạ. Bài hát kể về một người lữ khách lạc vào một vùng đất trong quá khứ, và tại nơi đó anh ta gặp được nàng thơ của mình. Anh ta có thể rời đi và số mệnh nói rằng sẽ tới lúc anh ta phải rời đi, nhưng trong khoảnh khắc đó, anh ta lựa chọn ở lại với nàng thơ của mình. Chí ít là trong không gian đó, nơi quá khứ và tương lại gặp gỡ nhau trong thực tại của riêng hai người.”     “Chà, em để ý kỹ thật đó Đổng Khiết. Cô không ngờ qua một bài hát mà em có thể nhìn nhận được như vậy.”     “Tớ cũng không ngờ cậu có thể ngẫm ra nhiều thứ vậy luôn.”     Cả Tuệ Nghi và cô Niên Hoa đều tỏ vẻ thích thú bài hát, điều đò làm tôi rất vui.     “Chắc có lẽ, bài hát được sáng tác ngay năm em sinh, năm ‘75, nên em có ấn tượng đặc biệt. Dù là người theo chủ nghĩa tự do ý chí, em vẫn mong chờ xem tính toàn năng và tất định của số mệnh. Hì hì.”     “Bài giới thiệu không chê vào đâu được, cô đang đợi được thưởng thức ngón đàn từ hai em.”     Tôi và Tuệ Nghi không giấu nổi lòng vui sướng khi thấy nhóm đã có thính giả nhiệt thành đầu tiên. Không để cô Niên Hoa đợi lâu, chúng tôi bắt đầu chỉnh tông. Lần trước đánh theo cung Đô trưởng tôi cảm thấy có chút gì đó hơi bi lụy nên lần này muốn chơi theo âm gia Mi thứ xem sao.     Song, kết quả thật… “bất mỹ mãn”, bởi hai chúng tôi chưa hòa được nhịp và tiết tấu, tôi quạt có phần nhanh nhất là ở đoạn gãy tự do, trong khi Tuệ Nghi chưa bắt đúng tiết tấu và hơi lệch tông đoạn melody. Nhưng miễn sao cả ba chúng tôi thấy vui là được, dở thì có thể tập thêm.     “Không sao, hai em thích thì cứ xuống đây tập, đảm bảo không ồn đâu, với lại thứ Bảy cũng chẳng có mấy học sinh ở lại.”     “Dạ vâng ạ, vậy phiền cô rồi,” cả hai đưa tôi đồng thanh đáp.     Sực nhớ ra việc quan trọng phải làm, tôi vội cất cây guitar và đến bên kệ “Sách Khác” kiểm tra. Tuệ Nghi như đọc được suy nghĩ và hành vi của tôi, liền lên tiếng trêu ngươi:     “Cậu lại kiểm tra xem có thư phản hồi không hả? Cậu đúng là mơ mộng hơn vẻ bề ngoài nhiều đó Đổng Khiết. Ai mà tin được tay guitar lead của quán rượu duy nhất trong trấn lại là một nữ sinh mơ mộng cơ chứ!”     “Cậu thôi đi…” Tôi đỏ chín mặt, nhưng đây là phép thử của tôi sau khi đọc kha khá thứ về luật hấp dẫn.     Tôi nhón chân, lấy tay với lên tầng cao nhất của kệ “Sách Khác”, tốn chút sức để lấy được cuốn sách mà tôi đã để lại lời nhắn. Cũng không hy vọng rằng sẽ có thư hồi đáp, bởi thứ nhất chẳng ai rảnh làm trò này và thứ hai, chẳng ai chịu đọc một quyển y văn tiếng Pháp cả.     Quyển sách mà tôi để mật thư có tựa đề: La structure de la personnalité.     Lần giở tới trang chương 1 nơi tôi nhét bức thông điệp của mình, chẳng có thư hồi đáp, nhưng mảnh ghi chú của tôi có nếp gấp mới. Tôi nhoẻn miệng cười khi nhận ra điều đó và bật thành tiếng khi kiểm tra mặt sau:         Có thể trong tương lai cậu không có gì cả, hoặc có thể cậu có tất cả. Nhưng suy cho cùng, thứ tồn tại bên trong chiếc hộp của Schrödinger không phải là con mèo mà là toàn bộ tiềm năng và chủ quan tính của nó trong việc lựa chọn trạng thái tồn tại cơ mà.         Gửi cậu một tựa nhạc, “Ain’t got no, I got life”, để thay cho lời chưa thể nói hết.     Cuối cùng, tôi cũng nhận được lời hồi đáp đầu tiên sau hai năm kiên trì tìm kiếm câu trả lời thỏa đáng. Hôm đó tôi đã cười rất sảng khoái.
Free reading for new users
Scan code to download app
Facebookexpand_more
  • author-avatar
    Writer
  • chap_listContents
  • likeADD