Chương 1: Hạn Hán Ba Năm

1972 Words
Thời xưa cũ, nghèo đói loạn lạc. Thôn Mộc Tử. Năm đó hạn hán triền miên kéo dài suốt ba năm ròng rã! Ở thôn Mộc Tử chết vì đói tràn lan, đi đâu cũng thấy xác người chết nằm la liệt trong nhà, trên đường... Tất cả khô queo, khô quắt nằm đó. Có người chết được mới mấy ngày, nằm dưới nắng, chỉ còn lại một bộ xương khô. Trời nắng đến nỗi ruồi muỗi cũng không còn sức để bâu vào kiếm ăn. Chẳng thấy một con nào bay tới... Các con sông cạn kiệt nước, đất cát khô cằn, nứt nẻ... Ruộng nương không có một cọng lúa, cỏ bị cháy rụi xác xơ... Thôn chết chóc! Chẳng ai quan tâm cũng chẳng có ai ngó ngàng, sống chết mặc bay. Người mẹ chỉ còn chiếc bánh cuối cùng, mốc meo đen xám, dúi vào tay đứa bé gái, giọng điệu thiết tha bất lực. - Tang Hoa, đi đi con, đi men theo đường con sông, con cứ đi, khi nào thấy có người ở con hãy dừng lại, ở đó con còn có thể được sống. Tang Hoa năm nay bảy tuổi, đứa em trai mới một tuổi, đã không còn... Ba của cô bé ấy mấy tháng sau cũng qua đời. Hạn hán hai năm, trong nhà mất đi hai người, hiện tại họ không còn đợi được trời thương cho mưa xuống... Người phụ nữ ấy vì đau lòng khóc từng đêm đến mù, nhà hai người một lớn một nhỏ cố gắng bám víu... Chờ thêm một năm, cũng không có một giọt mưa. Dân làng nơi đó bàn với nhau, cùng nhau đứng giữa trời cầu nguyện... Tiếng khóc vang dội, tuyệt vọng, thê lương nhưng trời xanh không thấu, cũng chỉ là nắng và hạn... Cô bé không muốn đi, nó đâu muốn xa mẹ, đứa trẻ tội nghiệp khóc lớn. Cầm chặt miếng bánh, nước mắt nước mũi thi nhau chảy xuống gò má, da dẻ đen nhẻm teo tóp. - Mẹ, Tang Hoa không đi, con gái không muốn xa mẹ... Từng tiếng khóc như xé lòng, người mẹ đau lòng cũng khóc, bà khóc nhưng không chảy một giọt nước mắt nào, cắn răng nói: - Tang Hoa, đi, đi mau, con muốn mẹ chết trước mặt con hay sao? Bà nhỏ giọng dịu dàng, lần mò một hồi nắm lấy bàn tay chỉ còn xương bọc da, dỗ dành. - Tang Hoa, ngoan nghe lời, mẹ ở đây chờ con, khi nào con lớn, con trở về sẽ gặp được mẹ mà... Bà không nỡ lòng nói với Tang Hoa, nếu cứ chờ đợi ở đây, cũng sẽ chết! Tang Hoa là đứa trẻ ngoan, rất hiểu chuyện, từ lúc năm tuổi đã biết chăm lo cho mình, năm sáu tuổi, ba mất, mẹ mù loà. Đứa trẻ ấy đã biết lên rừng nhặt cỏ, nhặt rau dại, thứ gì ăn được, cô bé dùng bàn tay nhỏ xíu ôm trong lòng cẩn thận mang về... Miếng bánh mẹ Tang Hoa có, là do hơn một tuần trước, một người phụ nữ trong làng, biết không còn sống được, chạy tới nhà dúi vào tay người phụ nữ mù loà đang ngồi trên giường. Bà ấy đưa xong không nói tiếng nào, ôm miệng khóc, chạy đi mất. Người mẹ cũng không biết người đó là ai. Tiếng khóc Tang Hoa càng lúc càng nhỏ, bụng đói lép xẹp, kêu ùng ục, cô bé không còn sức khóc lớn được nữa. Người mẹ im lặng, bà buông tay, to giọng quát: - Con đứng lên, đi ngay cho mẹ, còn không đi, mẹ đập đầu chết trước mặt con. Đi ngay!!! Đứa trẻ không biết phải làm sao, đôi mắt đen tròn ngập nước nhìn bà, biết mẹ tức giận, đôi môi bà mím chặt, khuôn mặt hằn lên những đường gân xanh, ngồi lặng yên như tượng đá. Cô bé biết, bà nói được sẽ làm được, sẽ chết trước mặt mình. Tang Hoa chậm rãi ngồi dậy, lấy bàn tay bé nhỏ, ốm yếu xoa nhẹ mặt mẹ, nức nở. - Mẹ chờ con về, mẹ hãy hứa đi. Người mẹ mới hơn ba mươi tuổi, da dẻ đã nhăn nheo, gầy gò gật đầu hai cái, lấy hơi thở khó nhọc một lát mới nói: - Nhất định, mẹ hứa! Tang Hoa chầm chậm từng bước, bước đi một bước, nhìn mẹ một lần, đến khi ngôi nhà thơ ấu chỉ còn một chấm nhỏ... Người mẹ bị mù ấy qua đời đúng vào ngày cô bé rời khỏi thôn Mộc Tử... Tiếng gọi “Tang Hoa, Tang Hoa” trước lúc ly biệt của người mẹ đó vẫn luôn hiện diện trong những giấc mơ suốt cuộc đời con trẻ! Tang Hoa đi dọc con sông như lời mẹ dặn, con sông khô cằn, lớp bùn nứt nẻ bốc khí nóng bức. Cô bé lếch chân nặng nhọc từng bước, khát nước cô bé bẻ được một nhánh cây xương rồng bỏ trong miệng nhai, hút hết nước, nhả xác. Lúc đói bụng thì hái cỏ ven đường, tay nhỏ đào bới rễ cây khô lấp bụng bao nhiêu đó cũng chỉ tự lừa chính mình mà thôi làm sao mà no cho được? Cuộc sống khốn khó đói khát khiến con người có ý chí bất khuất vươn lên. Thắng hay thua là một dấu chấm hỏi trong cuộc đời không một ai có thể giải mã. Chỉ mong rằng nên cố gắng mà sống. Tang Hoa đi bao lâu cũng không thể biết, mặt trời mọc, rồi lặn, suốt đường đi tỷ như hàng vạn ngày trôi. Cô bé ngất xỉu không biết bao nhiêu lần. Có khi thân hình nhỏ bé nằm trơ trọi giữa chiều, đến khi tỉnh dậy đã là màn đêm đen thẳm... Tang Hoa để miếng bánh trong ngực, không đụng một miếng nào. Cô bé cắn chặt răng, tự nhủ “Con sẽ mạnh mẽ, con phải sống!” Đôi chân bé nhỏ, phồng lên đau đớn, mắt Tang Hoa cũng mờ đi, cô bé ốm đen, đôi mắt trũng sâu, nhìn như một vong hồn mỏng manh thất tha thất thỉu đi giữa trời... Cuối cùng trời cũng không nỡ diệt đường sống mỏng manh như khói ấy! Trước khi kiệt sức mất đi ý thức cô bé nghe được giọng nói. - Tỉnh đi con, bé ơi!!! Tang Hoa mỉm cười đôi môi nứt nẻ cố gắng cười, có phải là ông Tiên trong lời mẹ hay kể không? Tiếng nói ông Tiên thật hay... Lúc Tang Hoa tỉnh dậy, mùi thơm chui vô mũi, cô bé tham lam hít... Nhắm mắt hít lấy hít để, hít đến mũi không còn ngửi được nữa, lúc này mới chậm rãi mở to đôi mắt, nhìn xung quanh. Tang Hoa thấy mình đang nằm trên chiếc giường tre, mái nhà bằng rơm, vách tường bằng đất. Tang Hoa nghe thấy giọng hai người, đang nói chuyện với nhau, giọng một người đàn ông và một người đàn bà... Giọng nói khó chịu đè nén tức giận của người đàn bà: - Nhà đã nghèo, anh còn ôm đứa trẻ gần như đã chết đói về đây, lỡ nó không qua khỏi chết trong nhà thì sao? Xui xẻo! Nếu nó không chết, lấy gì nuôi nó? Giọng người đàn ông thương lượng: - Cứu một người là nên làm mà em. Nó chết là mạng nó đã tận, nếu nó sống thì mình nuôi nó, thêm một miệng ăn, không chết được đâu. Giọng người đàn bà hoà hoãn, thấp giọng. - Anh làm sao thì làm, em không nói nữa, có chuyện gì đừng gọi tới em. Tang Hoa nhắm mắt lắng nghe tiếng bước chân tới gần, liền cụp mắt, lông mi run rẩy mạnh mẽ, cô bé rất sợ... Người đàn ông tuổi hơn ba mươi tuổi tới gần giường, ngồi xuống vuốt nhẹ mái tóc sơ xác của Tang Hoa, giọng người đàn ông rất dễ nghe, trầm trầm ấm áp. - Cô bé, con dậy đi, cố gắng ăn một miếng cháo. Vợ ta nấu cháo cho con xong rồi, ngoan, dậy nào con gái! Con không sao rồi. Tang Hoa mở mắt nhìn khuôn mặt người đàn ông, da người đàn ông ngâm đen, đôi mắt sáng rực. Cô bé gắng sức ngồi dậy, nâng được nửa người, lại té xuống, cố gắng thế nào cũng không dậy được nữa. Người đàn ông dặn Tang Hoa nằm yên, đợi anh ta một chút sẽ có cháo ngay! Chén cháo lỏng, hạt gạo màu vàng nhạt, còn bốc khói. Người đàn ông ôm cô bé ngồi dậy, đút từng muỗng cháo. Cháo chảy vào cổ họng nóng rát. Cô bé khó khăn nuốt từng ngụm. Đối với với Tang Hoa, món cháo lúc này là thứ ngon nhất, cô bé sẽ nhớ suốt một đời... Người đàn ông nói với Tang Hoa. - Con đừng sợ, ta là Đỗ Phi, vợ ta tên Mã Lệ Dung, con cứ gọi chúng ta là chú Đỗ, thím Mã. Nhà chúng ta ở thôn Thuận Kiều, chúng ta sẽ nuôi con. Tang Hoa cố gắng gật đầu, Đỗ Phi lại hỏi. - Con tên gì? Nhà con ở đâu? Cô bé lắc đầu, không trả lời. Không phải không muốn nói mà Tang Hoa nói không được, cổ họng nghẹn đặc, há miệng không thốt ra tiếng. Đỗ Phi đút xong chén cháo, anh ta đỡ cô bé mềm rũ nằm ngay ngắn. Dặn dò vài câu, hãy ngủ đi, yên tâm ở đây. Khi nào muốn nói thì hãy nói cho anh ta biết. Cô bé thoi thóp nằm trên giường suốt ba ngày mới tự mình có thể ngồi dậy. Tang Hoa đứng trước mặt Đỗ Phi và Mã Lệ Dung. Cô bé hạ đôi chân gầy tong teo quỳ xuống, cúi đầu, rạp người, thân nhỏ bé xương xẩu, lạy ba lạy. Tang Hoa yếu ớt nói: - Chú Đỗ, thím Mã, con tên là Tang Hoa. Nhà con ở thôn Mộc Tử. Ơn cứu mạng của chú thím con nguyện dùng cả đời để báo ân! Tang Hoa mới có bảy tuổi nhưng từ khi cô bé biết nhận thức ba mẹ cô bé đã dạy dỗ rất nghiêm túc. Người có ơn nhất định phải trả ơn. Sau này Tang Hoa còn biết, có oán tất trả oán! Tang Hoa nói xong, vẫn quỳ rạp đầu. Đỗ Phi nâng Tang Hoa dậy, xoa đầu nhỏ, giọng có phần thương cảm. - Tang Hoa, con bây giờ là người một nhà với chú thím. Chúng ta sẽ đối tốt với con, đứa trẻ này còn sống là được rồi, không cần quỳ. Mã Lệ Dung không nói gì, nhìn hai người họ, liếc mắt một cái lắc mông rời đi lẩm nhẩm cái tên nghe sao cũng thấy kỳ cục tang tóc. Mã Lệ Dung thật ra rất thích trẻ con nhưng bụng cô mãi chẳng thấy động tĩnh, lấy chồng ngót nghét cũng gần mười năm, bản thân cô ấy trông ngóng đứa trẻ muốn điên lên. Trong thôn làng có người độc miệng bóng gió “cây độc không trái, gái độc không con” cô ấy đành ngậm ngùi nhốt mình trong nhà. Đỗ Phi là người đàn ông thật thà chất phát, tính tình rất tốt, anh thương vợ hết mực, thường an ủi nếu không thể có con, tức là vô duyên vô nợ với chúng... Không cần suy nghĩ, vợ chồng yêu thương kính trọng nhau cùng sống tới già! Con cái là vật trời ban khó mà cầu cạnh như ước nguyện.
Free reading for new users
Scan code to download app
Facebookexpand_more
  • author-avatar
    Writer
  • chap_listContents
  • likeADD