CHƯƠNG 3. HOA RỜI CÀNH

2084 Words
Nắng chiều không gắt như ban trưa, nó rơi đầy trên những tán cây mướt rượt. Lá tảo tần, còm lưng hứng trọn từng hạt nắng ngô nghê, vì ham chơi mà vô tình rơi xuống. Nhưng phiến lá mỏng manh làm sao mà chứa nỗi. Nó cứ trũng xuống, trũng xuống mãi. Như chỉ chờ có thế, gió rì rào thổi qua tán lá, từng giọt vàng run rẩy lăn dài trên thảm cỏ. Ánh vàng quyện với sắc xanh trông thích mắt lạ thường. Tôi mở rộng đôi bàn tay, phơi dưới ánh mặt trời, rồi chụm chúng lại đón lấy nắng. Cảm tưởng như một dòng nước ấm đang lấp đầy tay tôi những nắng là nắng. Nắng ấm. Ấm cả lòng bàn tay. Nắng không hình, không dạng, tôi không biết bao nhiêu là đủ, cứ đưa tay ra hứng mãi. Cho đến khi đôi lòng bàn tay nóng hôi hổi; nắng chảy thành dòng tràn khỏi các ngón tay, rơi xuống đất; tôi mới thích thú ụp mặt vào tay. Cái cảm giác âm ấm mơn trớn làn da bên má khiến tôi sướng rơn người. Tôi thả mình nằm xuống, gối đầu trên đất. Lớp cỏ nhọn bên dưới đâm lên ngưa ngứa. Chẳng biết từ đâu, tiếng ve sầu ríu rít tấu lên khúc nhạc vui tai. Như nhận được tín hiệu của nhạc trưởng ve sầu, cả dàn nhạc giao hưởng côn trùng thi nhau đàn hát. Tiếng râm ran phá vỡ thinh không. Chán trò hứng nắng, tôi giật cọng cỏ đứt cái phựt. Tay vân vê cỏ dại thắt nút lại, rồi cứ như thế từng vòng cho đến khi nó rối nùi một cục. Cái cảm giác ấm áp này cũng thích thật, nhưng tôi muốn ra biển quá. Giờ này mà xuống nước, sướng phải biết. Cái nhàn làm tôi không khỏi thở dài ngao ngán, đưa mắt nhìn hai đứa nhóc đang tung tăng cách đó không xa. Con Yến vừa ngâm nga mấy bài đồng dao, vừa nhảy chân sáo quanh những triền cỏ. Mỗi khi thằng Vanh đưa sang một bông hoa, nó lại thất vọng mà lắc đầu. Yến đã tìm cả trưa rồi mà vẫn chưa thấy ưng ý thứ nào cả. Bỗng, tôi thấy mặt nó mừng rỡ, mắt sáng choang. Nhỏ đi đến chỗ bụi rậm, rồi nhanh chóng quay ra với một bông hoa đỏ. Có vẻ con Yến vui lắm, nó hớn hở chạy lại chỗ tôi để khoe chiến tích. “Nhạn! Ông coi cái bông này của tui có đẹp như bông của cô Phương hông?” Chất giọng lảnh lót của Yến gợi cho tôi một cái gì đó. Hoa của cô Phương? À, nhớ rồi! Là cái bông hoa dẹp lép như trái chuối ép, được kẹp trong quyển lưu bút của cô. Mới sáng đây thôi, chúng tôi đã thấy nó. ... “Ôi, cái bông này đẹp thế!” Yến bật thốt lên, tròn mắt ngạc nhiên. Rồi nhỏ nhoẻn miệng cười, lộ ra hai lúm đồng tiền duyên dáng. Nụ cười như toả nắng của Yến khiến thằng Vanh thích thú huých tay tôi. Tôi chán thằng Vanh đến tận cổ. Mỗi ngày nó đều đi theo nhỏ mà bây giờ lại làm như mới thấy con Yến cười lần đầu vậy đó. Mặc xác cái thằng hoa si, tôi liếc sang mảnh hoa đỏ được dán ngay ngắn trên tờ giấy ngả vàng. Cánh hoa héo úa, nhăn nhúm như làn da đầu ngón tay mỗi khi ngâm nước quá lâu. Tưởng tượng đến đó, tôi không tài nào hiểu nỗi lời khen của Yến. Tất nhiên hoa rất đẹp. Chúng rực rỡ và tràn đầy sức sống. Nhưng đó là khi hoa vẫn trên cành, nơi nó thuộc về. Giống như con người vậy. Khi xa nơi yêu thương, chắc gì người ta còn rực rỡ như hoa. “Ủa cô, cái cuốn này đâu phải sách đâu?” Thằng Tí hỏi trong khi mắt dán tịt vào cuốn sổ, tay mân mê cái gáy lò xo. “Ừ, không phải là sách đâu em. Đây gọi là lưu bút.” “Lưu bút là cái gì hở cô?” “Lưu bút là một cuốn sổ lưu giữ nét chữ của những người bạn, người thầy mà các em từng gắn bó suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường. Vào lúc sắp chia tay, người ta sẽ chuyền tay nhau quyển lưu bút. Khi nhận được quyển sổ, các em có thể ghi vắn tắt về chính mình, những kỷ niệm vui buồn đã có với chủ nhân cuốn sổ cũng như viết cho nhau những lời chúc tốt đẹp cho một hành trình sắp tớ.” “Sao nghe buồn quá cô ơi...” Nhỏ Xoan nói bằng cái giọng man mác, nỗi buồn thấm vào nó từ lúc nào. “Cuộc vui rồi cũng sẽ tàn, quan trọng là quá trình bên nhau chúng ta học được gì. Em đừng buồn. Em phải học cách chấp nhận nó và trân trọng những người bạn đang bên cạnh mình.” Cô xoa đầu Xoan, âm thanh trầm bổng khiến cảm xúc của bọn nhỏ chúng tôi cũng nhấp nhô theo. Thấy chúng tôi bắt đầu rơi vào một khoảng không nào đó xa tít, xa hơn cả cái hòn Đóm xa nhất đảo Trăng Vát; cô mỉm cười, vỗ tay, xốc lại tinh thần chúng tôi. “Nào nào mấy đứa! Giờ thì cô sẽ giao cho các em bài tập cuối cùng của năm nay.” “... Nhạn!” Lời nói của cô vẫn văng vẳng trong đầu tôi đến tận giờ, và cả “bài tập” của cô. “Bài tập lần này của các em là tìm một vật mà các em thấy đẹp nhất đem đến lớp. Hôm sau cô sẽ cho mấy đứa ghi lưu bút và dán chúng vào sổ. Mỗi người trong các em đều sẽ có một quyển lưu bút...” “Nhạn... Nhạn! Nhạn!” Tôi sực tỉnh. Đưa mắt nhìn người con gái đang vỗ mặt mình chan chát. Con gái con lứa mà không biết dịu dàng gì hết! Má tôi bị vỗ đến nóng cả lên. Chỉ lo nhập tâm suy nghĩ mà tôi quên mất con Yến. Thằng Vanh cũng đã chạy lại từ lúc nào. Nó nhìn tôi bằng đôi mắt nghi ngờ. “Nhạn, ông bị cái gì vậy?” “Tao có bị cái gì ớ đâu.” “Thiệt hôn?” “Nó đã nói hông sao rồi mà, Yến lo cái gì!” Thằng Vanh đứng bên cạnh, gườm gườm nhìn tôi. “Sao lại hông, tự nhiên thừ người ra. Làm tui hết hồn hà.” Con Yến vẫn lo lắng sợ tôi bị nắng hun đến sốt. Tôi phải cam đoan tận mấy lần rằng mình khoẻ như trâu, nó mới ngưng, không hỏi nữa. “Thôi, hổng sao thì thôi.” Yến chậc lưỡi lắc đầu. Rồi nó nâng đoá hoa dí sát vào mặt tôi. “Nè, tui hỏi ông bông này giống của cô Phương hông?” Mùi mật hoa hăng nồng phà vào lỗ mũi khiến tôi khó chịu mà đẩy tay nhỏ ra, đáp với một giọng ngang phè. “Chút chút.” Nghe tôi nói vậy, mặt con Yến ỉu xìu, nó se se cánh hoa mỏng dánh. Sự nâng niu lúc đầu cũng nhanh chóng bay biến. “Ờ, cũng đúng. Hoa của cô Phương đẹp hơn nhiều.” Nhỏ nói, rồi vứt cái bông trong tay đi. Hoa rơi xuống đất, sắc đỏ giữa nền xanh đầy khác biệt, nhưng chẳng còn rực rỡ. Một sắc đỏ trầm buồn, hạ mình làm nền cho sắc xanh cỏ dại. Vì nó vốn dĩ đâu còn là nó. Mất đi cái hồn, hoa rồi cũng sẽ về với đất. Tôi nhặt nụ hoa lên, miết nhẹ phần cánh. Nhưng bất chợt tôi không biết đặt nó ở đâu, bứt ra khỏi cành rồi, cũng đâu có nối lại được. Đang băn khoăn mãi, tôi bỗng ngó thấy mái tóc đen nhánh của Yến. Hôm nay, con Yến không buộc tóc, mái tóc dài cứ tung bay trong gió. Thi thoảng Yến lại đưa tay vén lên phần tóc bị gió thổi ngược hướng. Đầu tôi nhanh chóng nhảy số, đưa hoa đến gần tóc Yến. Nhưng khi bông hoa còn cách con Yến nửa bàn tay, tôi chợt trông thấy cái liếc mắt toé lửa của thằng Vanh. Lòng niệm thầm không may. Tôi đánh bạo, nhanh tay chuyển địa chỉ cài hoa sang đầu thằng nhóc to xác. Con Yến chưng hửng, thằng Vanh đực mặt. Cái bông đỏ chót kẹp bên tai của thằng nhóc đầu trọc trông dị hợm dễ sợ. Tôi thề rằng thằng Vanh không hợp để cài hoa, xấu phát gớm! Nó trông còn mắc cười hơn cả mấy ông hề vẽ mặt mà người ta hay thấy. “Ờm... bông đẹp hén!” Dưới cái nhìn của hai đứa nó, tôi chỉ biết mỉm cười sượng sùng. Và buông ra một câu chọc ghẹo, trước khi chạy khỏi “cú đấm yêu” của thằng nhóc cài bông đỏ. Chốc lát, tiếng cười giòn giã vang lên khắp triền đồi. ... Xách cái cặp dô lớp, hiếm hoi lắm tôi mới đi học sớm một bữa. Vì hôm nay là ngày cuối cùng của năm lớp bảy. Dù cho năm sau sẽ gặp lại những gương mặt quen thuộc, nhưng tôi không muốn trễ một phút giây nào. “Ê, Nhạn! Mày đem cái đống này dô chi dậy?” Thằng Vanh hỏi khi thấy tôi đặt cái chai lên bàn. “Thì để gắn dô lưu bút.” Vừa nghe hết câu, Vanh đã cười sằng sặc, tay ôm bụng, chế giễu: “Trời đất, thằng Nhạn bị khùng rồi! Tụi bây lại đây mà coi nè!” Tiếng cười của thằng Vanh thu hút mấy đứa khác đến. Bọn chúng cầm cái chai của tôi lên soi mói, rồi cũng cười toe toét. Ờ thì,... tụi nó cười cũng đúng. Thay vì đem mấy thứ màu mè hoa lá hẹ, tôi lại vớ tới một mớ cát và vỏ ốc. Mà làm gì có ai dùng mấy thứ đó làm lưu bút bao giờ. Tôi cũng muốn đem theo một thứ đàng hoàng lắm chứ. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi chỉ thấy những thứ thuộc về biển là đẹp nhất. Lúc cô Phương vô lớp yêu cầu nộp bài tập, cái chai cát của tôi làm cho cô bất ngờ lắm. Cả lớp đều trông thấy cô che miệng cười khúc khích. Nhưng điệu cười của cô khác thằng Vanh, và nó làm đáy lòng tôi cháy lên một niềm vui nho nhỏ. Chúng tôi truyền tay nhau những cuốn sổ mới cứng, giấy trắng phẳng phiu. Đứa nào đứa nấy đều viết nắn nót. Đến thằng Tí chữ xấu nhất lớp cũng ráng nắn nót rèn từng chữ một. Chắc nó sợ mấy chục năm sau lỡ may con nó dở ra coi thấy cái đống giun dế ngoằn ngoèo là bị cười cho thúi mặt. “Rồi mày tính gắn cái đống này dô lưu bút kiểu gì?” Giọng thằng Vanh oang oang, làm cho tôi nhức cả đầu. “Tao thấy mày xài keo năm lẻ hai đi Nhạn.” Thằng Tí lên tiếng sau khi vả mồ hôi vì viết chữ. Tôi thấy cũng đúng, nghe lời nó định trét keo năm lẻ hai gắn mấy con ốc nhỏ vô cho đẹp. Nhưng bị cô Phương ngăn lại ngay tức khắc. Cô sợ tôi làm hư cuốn sổ nên không cho gắn. Thế là cuối cùng mấy thứ trong chai tôi mang theo lại không thể dùng đến. Tôi đành phải chạy sang mượn con Yến mấy bông hoa, cọng cỏ mà nó bứt từ hôm qua gắn vô đỡ, còn khi nào trả thì tôi chưa biết. Đáng lẽ cái chai này không phải toàn cát với ốc thôi đâu, còn cả nước biển nữa. Nhưng hôm qua tôi quên đậy nắp, nên nước đã bay hơi hết rồi. Giờ tôi mới nhận ra, cũng giống như hoa, nước biển phải ở nơi nó vốn dĩ thuộc về. Bằng không nó cũng chẳng thể... tồn tại.
Free reading for new users
Scan code to download app
Facebookexpand_more
  • author-avatar
    Writer
  • chap_listContents
  • likeADD