Chương 2: Ngày tháng xưa cũ

1860 Words
Thường ngày, bố dậy muộn hơn tôi, nhưng hôm nay khi đánh răng xong tôi nhận ra bố đã ngồi trước ti vi và chăm chú lắng nghe tin tức buổi sáng. Tôi thở dài, nghĩ thật phiền phức. Tôi lặng lẽ bước vào bàn ăn trong căn bếp chật chội, nuốt cả trứng ốp la trong một lần và uống ừng ực cốc sữa. Tôi muốn hoàn thành bữa sáng thật nhanh lẹ và đi học liền. -          Học hành thế nào rồi? Theo kịp chương trình trên trường này chưa? – Bố lên tiếng hỏi nhưng mắt vẫn không rời khỏi màn hình ti vi. Rốt cuộc thì tôi cũng không tránh được bố và cái chủ đề đáng ghét ấy. Tôi có nên trả lời chương trình ở trường mới vô cùng nặng, tôi chẳng thể theo kịp được bạn bè, rằng tôi cảm thấy ngộp thở với lịch học kín mít này. Bố tôi sẽ để ý những lời phàn nàn đó ư? Tất nhiên là không, bố sẽ cho rằng tôi chưa nỗ lực đủ. Tôi bèn trả lời lệch quẻ: -          Chẳng ai đến lớp mười hai lại chuyển trường như con cả. Nói xong, không mong chờ phản hồi từ bố, tôi đứng dậy bỏ dở luôn cả cốc sữa mới uống được một nửa. Tôi nghe thấy tiếng bố sau lưng càm ràm: -          Lại bắt đầu cái kiểu đấy đấy. Nhưng tôi đã đóng sập cánh cửa phòng mình lại. Dường như bố với tôi chẳng có cái chủ đề nào khác ngoài học hành. Tôi đến phát ngán vì ngày nào bố cũng bảo trường trên thành phố này có chất lượng dạy học tốt, tôi nhất định sẽ vào được trường đại học trọng điểm. Bố chẳng bao giờ hỏi tôi cảm thấy như thế nào, tôi có thích ứng kịp với việc thay đổi chương trình đột ngột như thế không. Chưa bao giờ. Tôi liếc nhìn lịch trên tường, còn 271 ngày nữa mới đến kì thi Trung học Phổ thông Quốc gia mà tôi căm hận. Hầu hết học sinh đều sợ hãi khi nhìn thấy ngày đếm ngược, cảm thấy thời gian còn lại chẳng bao nhiêu để ôn tập. Còn tôi gạch từng ngày mong ngóng không khác gì một tù nhân mong đến ngày mãn hạn. Động lực to lớn nhất khiến tôi muốn đỗ đại học, đó chính là được tự lập và thoát khỏi cảnh gông cùm này. Đang thay đồ thì cánh cửa phòng tôi mở ra một cách thô bạo, mặc dù tôi thừa biết là ai nhưng vẫn không khỏi giật mình. Tôi chỉ muốn gào lên, mẹ không thể gõ cửa được à, nhưng đã bị mẹ sớm chặn họng: -          Uống cho hết cốc sữa mới được đi học. Nói xong, mẹ đặt cốc sữa trên bàn rồi đi ra khỏi phòng. -          Mẹ có thấy sách dưới gối con không? – Tôi bạo gan hỏi. Mẹ tôi quay lại, khuôn mặt không mấy hài lòng: -          Cái đó mày gọi là sách hả? Truyện nhắng nhít, tao vứt rồi. Tôi cảm thấy một luồng adrenaline chạy lên đầu, tôi hét lên: -          Mẹ! -          Cái gì nữa! Lớp mười hai còn đọc mấy thể loại đó thì ôn thi kiểu gì? Hả? -          Mẹ thu điện thoại của con rồi còn gì! Còn không cho dùng máy tính nữa! Còn gì nữa hả? -          Tao đã bảo rồi, lớp mười hai là chỉ tập trung ôn thi. Mày nhìn thành tích lớp mười một của mày đi, khá khẩm tí tao đã không gắt gao như này rồi. Tôi cảm thấy lồng ngực mình như muốn nổ tung. Tôi xách lấy cặp chạy ra khỏi phòng, ra đến phòng khách còn bị bố mắng: -          Mày ăn nói với mẹ thế hả? Tôi xỏ đại đôi giày, không thèm buộc dây lại nữa chạy ra khỏi nhà. Dắt xe đạp điện ra khỏi nhà để xe của khu chung cư cũ kĩ, tôi nhận ra mặt mày mình đã tèm lem nước mắt. Vội vã lau nước mắt để bác bảo vệ không nhìn thấy, tôi tra chìa rồi phóng xe ra con đường chính dẫn đến trường. Nghĩ lại thì, tôi cũng không thích cuốn truyện đó lắm. Đó là một cuốn truyện ngôn tình mà Hoài, cô bạn chí thân của tôi tặng trước khi chuyển trường. Tình tiết hơi cẩu huyết quá đà, thế giới quá đẹp đẽ cho cặp đôi chính. Tôi không nghĩ mình sẽ đọc lại một lần nào nữa, nhưng việc mẹ thẳng tay quẳng cuốn sách đó đi dường như chạm vào lòng tự ái của tôi. Đầu năm, mẹ đã tịch thu điện thoại của tôi và tuyên bố rằng nếu dùng máy tính phải có sự giám sát của mẹ, tôi đã khóc lóc và cãi nhau với mẹ không biết bao nhiêu là lần nhưng chẳng ăn thua. Lần này cũng thế, tôi cảm thấy như tự do của mình đã bị tước đoạt hoàn toàn. Ngẩng đầu nhìn lên bầu trời sáng sớm trong vắt của một ngày mùa thu, tôi tự hỏi chẳng lẽ một năm học tiếp theo này không được giải trí dù chỉ một lần. Một ngày là quá dài chứ đừng nói là một năm. Vì tiết đầu là thể dục nên đến lớp lớp tôi thấy ai cũng đã thay đồng phục thể dục, vài ba bạn trai quên béng đang vẽ phấn lên chiếc quần đen của mình. Thầy thể dục dễ tính nên chỉ cho chúng tôi khởi động sơ qua rồi cho lớp nghỉ. Bọn con gái leo lên khán đài ngồi tránh nắng, còn lũ con trai hăng hái đá bóng với nhau. Tôi cũng theo chân con gái trong lớp leo lên khán đài, ba bốn đứa ngồi thành một nhóm xì xào chuyện gì đó có vẻ rất bí mật với nhau. Còn tôi, dĩ nhiên chẳng thuộc nhóm nào, ngồi một mình ở bậc thềm cao nhất phóng tầm mắt ra quan sát trận bóng của lũ con trai. Sân vận động trường mới của tôi rất đẹp, tỉ lệ chuẩn chỉnh cho đá bóng chính thức. Ngay cạnh còn có khu chơi tennis, xung quanh là đường chạy dài êm chân. Không giống như trường cũ của tôi, sân thể dục là cỏ tự nhiên, đá bóng, ném bóng hay gì đều ở một cái sân. Ba bốn lớp học cùng một lúc tranh nhau chiếc sân bé tí tẹo. Nhưng tôi nhớ xiết bao hàng cây dương xỉ rợp bóng mát và bãi cỏ tự nhiên ấy. Nếu thầy thể dục cho nghỉ ngơi, bọn con gái chúng tôi sẽ ngồi ngay xuống cỏ ngắm nhìn những đốm nắng chiếu qua tán lá rồi cùng nhau bàn tán về bộ phim Hàn đang phát sóng hay cuốn ngôn tình vừa đọc tối qua. Hoài sẽ nằm kê đầu lên đùi tôi bô lô ba la về những câu chuyện đánh ghen ở đâu đẩu lớp khác. Tôi sẽ im lặng ngồi nghe và mắt thì dõi theo một bóng hình đang đá bóng dưới nắng kia. Cậu ấy chạy dưới ánh nắng oi ả, mồ hồi lăn dài trên khuôn mặt ngăm ngăm và đầu húi cua như đang lấp lánh dưới ánh nắng kia. Cậu ấy cười thật sảng khoái, để lộ ra chiếc răng khểnh duyên dáng. Cậu ấy là Bảo, lớp trưởng lớp cấp ba cũ của tôi. Tôi tin trong mỗi thanh xuân của các cô gái đều có một chàng trai như thế xuất hiện. Một chàng trai với nụ cười tỏa nắng, luôn tinh nghịch bày những trò đùa quái gở và là tâm điểm của sự chú ý. Tôi thường đưa mắt tìm cậu ấy trong lớp hoặc bất cứ nơi đâu. Đó là niềm hạnh phúc nho nhỏ của tôi. Tôi không cần biết cậu ấy có tình cảm với tôi hay không, tôi không cần biết tương lai sau này sẽ ra sao. Tôi chỉ cần ngày ngày lại được ngắm nhìn cậu và cảm nhận trái tim mình rung lên những cảm xúc thuần khiết. Bảo chạy qua tôi, chìa chiếc áo khoác đồng phục và bảo: -          Nhờ cậu giữ hộ nhé. Rồi quay lưng chạy mất. Tôi cầm chiếc áo khoác của cậu, xung quanh là tiếng ồ lên đầy thích thú của bọn con gái cùng lớp. Hoài sẽ hét lên: -          Tao còn chưa ăn sáng mà đã phải ăn cẩu lương hả? Tôi búng trán con bé và chỉ biết mỉm cười dưới sự trêu chọc của lũ bạn cùng lớp, cẩn thận xếp chiếc áo của cậu lại thật gọn gàng. Vài hành động nhỏ nhặt ấy thôi lại khiến tôi vui hết cả ngày dài. Thế là đủ đối với tôi, và tôi cảm thấy lòng mình như ngập tràn nắng hạ. Một chiếc bóng lạc đàn bay thẳng vào mặt tôi khiến tôi quay lại thực tại. Các bạn gái ở lớp cấp ba mới của tôi đều quay lại nhìn tôi, hoảng hốt. -          Cậu không sao chứ? Các bạn nhao nhao lên tiếng hỏi. Mấy bạn trai đằng dưới sân trông thất sắc như vừa mới phạm tội gì ghê gớm lắm, cậu bạn đi nhặt bóng rối rít xin lỗi tôi. Tôi lấy tay sờ chỗ quả bóng vừa mới va chạm vào đầu, rồi lắc đầu ý mình không sao đâu để trả lời các bạn. Tôi không yếu ớt đến thế, chỉ là ông trời nhất thiết phải dùng cách này để nhắc nhở tôi về hiện thực cay đắng hả? Các bạn cùng lớp mới đều rất tốt với tôi. Ví như lúc này các bạn đều lo lắng hỏi tôi có cần xuống phòng y tế hay không. Đầu năm còn lạ trường, tôi đã phải hỏi han nhờ vả các cậu ấy rất nhiều nhưng ai cũng vui vẻ giúp đỡ tôi. Nhưng cũng chỉ dừng lại ở đó, ở mối quan hệ xã giao khách sáo. Tôi chẳng thể cùng ai suốt ngày cười hí hí há há trêu chọc như còn ở trường cũ. Đã học đến lớp mười hai, trong lớp cũng đã dần hình thành từng nhóm bạn chơi thân với nhau, thật không dễ để gia nhập một nhóm bạn một cách tự nhiên. Nếu còn ở lớp mười hay mười một, sẽ có nhiều hoạt động trường lớp để gắn kết học sinh với nhau, nhưng hiện tại tôi đã lớp mười hai, trường chỉ muốn các em học sinh cuối cấp chăm chú vào ôn thi mà thôi. Hình ảnh lớp mới này của tôi luôn là mọi người cặm cụi làm đề thi, thỉnh thoảng mới ngẩng đầu lên vì đau cổ hay muốn trêu đùa với đứa ngồi cạnh một chút. Tôi, một đứa lạc loài ngồi cuối lớp, chỉ biết thở dài thườn thượt chống cằm nhìn trời mây ở bên ngoài cửa sổ, hoài niệm về những tháng ngày xưa cũ. 
Free reading for new users
Scan code to download app
Facebookexpand_more
  • author-avatar
    Writer
  • chap_listContents
  • likeADD